Công nghiệp chế biến
Xuất khẩu dệt may ước đạt 28,5 tỷ USD trong năm 2016
14/12/2016
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hai tháng cuối năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 5,1 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm của mặt hàng này lên khoảng 28,5 tỷ USD.

Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang 8 thị trường chính gồm Mỹ, Canada, EU, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Brazil.

 Trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt 11,4 tỷ USD, chiếm 40% thị phần, các thị trường khác đạt 17,1 tỷ USD, chiếm 60% thị phần.

 Thị trường EU đạt khoảng 3 tỷ USD/năm, tăng trưởng trên 25%/năm, cao hơn so với các nước khác, trong đó các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào EU gồm áo vest nam có tăng trưởng 48%, trang phục nam tăng trưởng 32%, áo đầm nữ tăng trưởng 28%...

 Hiện nay doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang kỳ vọng vào Hiệp định thương mại tư do (FTA) Việt Nam – EU sau khi kí kết sẽ tạo ra đòn bẩy cho dệt may xuất khẩu vào EU.

 Hiệp định này có hiệu lực vào năm 2018, theo đó, 71% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ được miễn thuế, các dòng thuế còn lại sẽ được tiếp tục xóa bỏ trong 7 năm sau đó, dự kiến đến năm 2025 khi FTA Việt Nam- EU có hiệu lực đầy đủ, 99% hàng hóa của Việt Nam vào EU sẽ được miễn thuế.

Hiện nay mức thuế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU dao động từ 8-12%.

Hiệp hội Dệt may cho biết, Việt Nam đứng Top 5 các nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới, tốc độ tăng trưởng 17,5%/năm. Dệt may chiếm 10% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp, có 6.000 doanh nghiệp và 2,5 triệu lao động. Trong năm 2016, dù gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu của dệt may dự kiến vẫn đạt khoảng 29 tỷ USD.

Một trong những khó khăn mà ngành dệt may đang phải đối là chi phí lao động tăng dẫn đến giá thành tăng, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến có xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia và Myanmar gần đây.

Để nâng cao tính cạnh tranh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nâng cao khả năng thiết kế, kỹ năng quản lý sản xuất, tăng năng suất lao động, thay đổi hình thái sản xuất chuyển từ gia công thuần túy sang sản xuất FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM ( tự thiết kế sản xuất), OBM ( tự sản xuất và phân phối)… nâng cao tính chủ động và giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp trong ngành.
 
Nguồn: Người Đồng Hành
Ý kiến bạn đọc