Công nghiệp chế biến
Phát triển công nghiệp hỗ trợ phải theo thị trường
29/11/2016
Sản lượng ô tô còn thấp nên việc nội địa hóa linh kiện ô tô sẽ có chi phí cao hơn nhập khẩu. Do đó, để tăng tỉ lệ nội địa hóa, cần tập trung phát triển công nghệ hỗ trợ nhưng phải song hành với sự mở rộng của thị trường.

Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Công ty Toyota Việt Nam cho biết Việt Nam là thị trường ô tô rất tiềm năng trong tương lai do dân số đông và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Theo nhận định của một số chuyên gia, đến năm 2025, mỗi gia đình Việt Nam đều sử dụng ô tô.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất ô tô đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy trì sản xuất tại Việt Nam do sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm ô tô nhập khẩu từ các nước khu vực ASEAN. Số lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia được dự báo sẽ tăng nhanh chóng vì giá thành sản xuất thấp hơn và được hưởng thuế suất 0%.

Do chi phí sản xuất linh kiện trong nước cao hơn khu vực, các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện từ nước ngoài. Điều này khiến các DN phải chịu thêm các chi phí rất lớn như vận chuyển, đóng gói, thuế nhập khẩu. Vì vậy, chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia. Đồng thời, do nhập khẩu phần lớn linh kiện nên công nghiệp hỗ trợ cũng không phát triển được trong những năm qua.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay, do sản lượng còn ít, phần lớn linh kiện ô tô nếu nội địa hóa sẽ có chi phí cao hơn nhập khẩu. Chỉ có một số chi tiết cồng kềnh như thân xe, ghế thì nội địa hóa có lợi hơn do chi phí nhập khẩu như đóng gói, vận chuyển rất cao. Đây cũng là lý do chính khiến tỉ lệ nội địa hóa của các nhà sản xuất ô tô còn thấp.

Để cắt giảm chi phí sản xuất, các nhà sản xuất ô tô phải tiến hành đẩy mạnh nội địa hóa từng bước, cùng với sự phát triển của thị trường ô tô trong những năm tới. Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cần một thời gian khá dài, gia tăng từng bước theo sự phát triển của thị trường ô tô.

Để ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, đại diện Công ty Toyota Việt Nam kiến nghị cần giữ ổn định thuế để bảo đảm ổn định thị trường, hỗ trợ tài chính cho DN nhỏ và vừa để đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cũng giống như Toyota Việt Nam, một “ông lớn” trong ngành là Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đang nỗ lực chạy đua với thời gian để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa cho các dòng sản phẩm của mình. Hiện nay, tỉ lệ nội địa hóa tại Thaco lần lượt là xe con trên 10%, xe tải trên 35%, xe bus 55-60%, riêng dòng xe cỡ nhỏ Kia Morning là 23%.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, cho biết để nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu tại thị trường nội địa cũng như hướng tới xuất khẩu, Công ty đang nỗ lực phấn đấu đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% đối với các dòng xe tải và xe con. Để đạt được mục tiêu này, công ty coi phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Để tập trung nâng cao phát triển công nghiệp hỗ trợ, Công ty này đã mở rộng, nâng cấp các nhà máy hiện hữu, nâng cao năng lực sản xuất từ các chi tiết cơ khí đơn giản đến sản phẩm có chất lượng cao, đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm phù hợp với điều kiện sử dụng của khách hàng, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Dương cũng cho biết, Thaco đang có kế hoạch xây dựng khu công nghiệp dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ, hướng đến xúc tiến đầu tư với các DN có công nghệ và sản phẩm chất lượng; kết hợp DN trong nước với DN nước ngoài để chuyển giao công nghệ sản xuất; mở trường đào tạo công nhân lành nghề phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Vị Chủ tịch Thaco cũng cho rằng, công nghiệp hỗ trợ chỉ tồn tại nếu có thị trường và phải có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa, hỗ trợ những DN chủ lực, DN đầu tàu để kéo các DN cung ứng sản phẩm hỗ trợ cùng phát triển.

Lãnh đạo Thaco cũng đề xuất có chính sách khuyến khích đầu tư (về thủ tục, mặt bằng sản xuất, hạ tầng cơ sở, chính sách thuế...) cụ thể theo đặc thù ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ ở mức cạnh tranh so với chính sách của các nước khu vực ASEAN, đặc biệt là chính sách phát triển công nghiệp chế tạo động cơ, hộp số, cầu xe và các sản phẩm cơ khí trọng điểm, sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, Công ty này cũng kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện đối với các linh kiện chưa sản xuất được để hỗ trợ sản xuất trong nước, khi thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN giảm về mức 0% vào năm 2018.

Mới đây, Quốc hội đã tán thành bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đánh giá của nhiều đại biểu, việc này phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035. Ngoài ra, việc có những chính sách dài hạn, nhất quán của Chính phủ đối với ngành ô tô sẽ là động lực để DN trong nước yên tâm đầu tư lớn về nhà xưởng, thiết bị, máy móc, mở rộng hợp tác liên doanh để nhận chuyển giao công nghệ, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

 
Nguồn baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc