Công nghiệp chế biến
Sức hút từ công nghiệp hỗ trợ ngày càng lớn
12/09/2014

http://thuongmai.vn/sites/default/files/images/stories/Nam-2014/Thang-09/phu-tro.jpg

Doanh nghiệp hỗ trợ được coi như đòn bẩy kinh tế trong thời gian tới. Chính phủ nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực trên đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành. Tuy nhiên, sau một chặng đường dài các doanh nghiệp Việt vẫn giậm chận tại chỗ, sức ỳ, thiếu tính cạnh tranh, trình độ quản trị, nguồn nhân lực yếu kém…

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, mỗi quốc gia đều coi trọng việc liên kết, trao đổi thông tin kinh tế, tìm kiếm cơ hội làm ăn với nhau và việc liên kết trao đổi thông tin càng mạnh thì giá trị gia tăng sẽ càng cao. Riêng trong ngành công nghiệp hỗ trợ các công đoạn gia công lắp ráp chỉ là giai đoạn đầu giải quyết lợi ích trước mắt là tạo việc làm cho người lao động. Nhưng về lâu dài, muốn bước lên nấc thang phát triển cao hơn trong chuỗi giá trị, không có cách nào khác là phải đẩy mạnh xuất khẩu, tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm. Để thực hiện chủ trương lớn này, hiện Bộ KH&ĐT đang xây dựng đề án xây dựng một số cụm liên kết ngành với quy mô lớn. Tất cả các ngành sẽ bám theo những sản phẩm đó để tạo nên chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh ở mỗi một mắt xích. Do đó các Bộ, ngành có liên quan, ngân hàng cũng như cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm, đồng hành để cụ thể hóa chủ trương này.

Về vấn đề vốn, Ngân hàng nhà nước xem xét cho nhiều ngân hàng thương mại, cổ phần tham gia quá trình giải ngân vốn mạnh cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Song có một thực tế không như mong đợi đó là hiện này có quá ít doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay vốn. Nguyên nhân đơn giản được nhìn thấy ngay là các doanh nghiệp trong ngành này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có cách thức làm việc và quản trị lạc hậu, sổ sách kế toán không minh bạch… Do đó, không thể trách NHTM khi phải kiểm duyệt hồ sơ vay vốn chặt tay để đảm bảo sự an toàn của đồng vốn. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình đề án xây dựng một số cụm liên kết ngành, tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực của Việt Nam có tính cạnh tranh cao để sản xuất ở quy mô lớn. Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực triển khai Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó ưu tiên phát triển dịch vụ cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành. Theo đó, cách hỗ trợ của quỹ này là cung cấp một số dịch vụ được thừa nhận theo thông lệ quốc tế và không bị coi là trợ giá khi xuất khẩu hàng hóa. Đó là hỗ trợ đào tạo nhân lực, quản trị kinh doanh, quản lý tài chính, đào tạo ứng dụng khoa học công nghệ... Những chương trình này sẽ tập trung nguồn lực cho một số ngành và lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh phát triển. Riêng về tiếp cận tài chính, Quỹ này sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa các NHTM và doanh nghiệp thông qua việc lựa chọn công khai một số NHTM và doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia.

Phân tích sâu hơn về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) có những chính sách rất ưu đãi với việc phát triển ngành CNHT, nhưng thực tế triển khai còn không ít vướng mắc. Cụ thể, việc vay vốn tín dụng đầu tư được quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011. Nhưng, từ khi Quyết định này được ban hành đến nay, VDB chưa nhận được một dự án CNHT nào đề nghị vay vốn từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu là Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011, các dự án thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc dự án thuộc ngành nghề, lĩnh vực thuộc danh mục quy định tại Nghị định này được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu đem ra soi xét, đối chiếu theo đúng tinh thần của Nghị định 75 thì Hà Nội lại không thuộc đối tượng ưu đãi về địa bàn. Đồng thời, dự án CNHT cũng không thuộc danh mục quy định của Nghị định 75. Như vậy, hiện không có ưu đãi về tín dụng đầu tư đối với các dự án CNHT. Việc ưu đãi trong lĩnh vực CNHT chỉ dành cho các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu CNHT, khu công nghệ cao thuộc nhóm A, B.

Các lợi điểm vay vốn ngân hàng dành riêng cho các doanh nghiệp CNHT. Cụ thể như, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo ưu đãi cho ngành cơ  khí phát triển với mức lãi suất cho vay chỉ 3%/năm trong khi các ngành khác là 10%/năm. Hoặc tương tự với ngành dệt may trong thời kỳ ưu tiên các doanh nghiệp dệt may được vay với mức lãi suất 3 - 5%/năm, chia đều cho toàn bộ khoản vay… Đây đều là những điều khoản ưu đãi rõ ràng, khiến doanh nghiệp hào hứng vay vốn và thực tế cho thấy đều phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp các ngành này phát triển. Hiện nay nguồn vốn cho vay CNHT luôn dồi dào và sẵn sàng, các ngân hàng chỉ quan tâm doanh nghiệp có dự án khả thi hay không, thị trường tiêu thụ có tốt hay không, bộ máy hoạt động của doanh nghiệp có minh bạch, hiệu quả hay không… nếu chứng tỏ được sức khỏe của mình qua các tiêu chí trên thì ngay lập tức các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay mà ít gặp phải khó khăn trở ngại lớn nào.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) luôn coi lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp là dịch vụ trọng tâm của ngân hàng, có nhiều gói ưu đãi cho doanh nghiệp. Như gói ưu đãi 1.000 tỷ đồng mới đây của TPBank và có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp, tài sản đảm bảo doanh nghiệp chỉ cần có hợp đồng cung cấp đầu ra cho doanh nghiệp FDI hoặc đã từng cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp FDI thì chúng tôi sẵn sàng cho vay tới 90% giá trị hợp đồng họ triển khai. Lãi suất suất ưu đãi từ 8-9%/năm và giảm tới 4% phí.

Theo Sở Công thương Hà Nội hiện Hà Nội hiện có 2.000 doanh nghiệp CNHT được phân thành 8 nhóm chính như: sản xuất lắp ráp phương tiện vận tải ô tô, xe máy; điện, điện tử, viễn thông… Doanh thu của CNHT chiếm khoảng 25% doanh thu toàn ngành công nghiệp Hà Nội. Nhưng ai cũng biết thương hiệu Samsung là một doanh nghiệp nước ngoài có mức đầu tư vốn khủng tại Việt Nam nhưng trong danh sách các linh kiện của Samsung đề nghị phía Việt Nam tìm đối tác sản xuất có cái rất đơn giản như: sạc pin, cáp USB... nhưng doanh nghiệp trong nước không có. Có một thực tế là ngành CNHT ở Việt Nam ngoại trừ ngành xe máy linh phụ kiện trong nước cung cấp được đến 85-90% do áp lực buộc phải giảm giá thành phát triển trong nước khi xe máy Trung Quốc giá rẻ ập vào, còn lại nền CNHT chúng ta vẫn rất hạn chế. Trong khi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Samsung, họ cho biết chỉ riêng sạc pin các loại, mỗi năm họ cần khoảng 400 triệu chiếc. Như vậy nếu tính toán, mỗi sạc pin chúng ta lãi 0,5 USD, mỗi năm Việt Nam đã có 200 triệu USD. Đó là cơ hội lớn nhưng xem ra vẫn nằm ngoài tầm tay các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.

Về định hướng phát triển ngành CNHT trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đang có chương trình triển khai Quyết định 601/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, quỹ này sẽ ưu tiên phát triển các dịch vụ cung cấp tài chính, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, quản trị kinh doanh, quản lý tài chính, khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông qua sự kết nối với các bộ, ngành, Quỹ sẽ tập trung nguồn lực cho một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh nhất. Những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị liên kết ngành, CNHT sẽ được Quỹ ưu tiên giải ngân thông qua một số ngân hàng thương mại được lựa chọn công khai, minh bạch, trong đó có VDB.

Ý kiến bạn đọc