Công nghiệp chế biến
Xuất khẩu da giày: Nhiều cơ hội mới
05/08/2014

Ngành da giày-túi xách Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong sản xuất, xuất khẩu do nhu cầu thị trường phục hồi và sự dịch chuyển đơn hàng từ các đối tác.

Nhiều cơ hội…

Theo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện tại, ngành da giày – túi xách đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển do nhu cầu thị trường thế giới đang phục hồi (nhất là thị trường Hoa Kỳ) và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường EU đã mạnh lên. Nguyên nhân do từ tháng 1/2014, giày dép của Việt Nam xuất sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) với mức thuế nhập khẩu giảm từ 3,5-5%. Đồng thời, rất nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng đơn hàng ở Việt Nam (Tập đoàn Target Sourcing Services, Tập đoàn Dansu, Tập đoàn túi xách cao cấp Lancaster/Sequoia Paris). Cùng với đó, xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, Bangledesh vào Việt Nam (tỷ lệ chuyển dịch khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2013) cũng là một trong những thuận lợi để phát triển xuất khẩu của ngành.

Ngoài ra, thời gian qua đã có nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước vào da giày, trong đó có một số dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp cho ngành da giày túi xách Việt Nam chủ động trong việc cung ứng nguyên liệu. Điển hình như Công ty TNHH Zhu Rui Việt Nam (vốn Hồng Kông) vừa đầu tư 10 triệu USD để sản xuất khuôn mẫu, đế giày tại tỉnh Bình Dương; Dự án đầu tư công nghiệp phụ trợ sản xuất bao bì phục vụ ngành dệt may, da giày tại Quảng Nam với tổng mức đầu tư 16,6 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay…

Đặc biệt, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay hoặc trong năm 2015 như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU; Hiệp định Thương mại tự do với liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan và các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực với các nước ASEAN và Trung Quốc cũng đang mở ra cơ hội lớn cho ngành này.

Song hành cùng thách thức

Các hiệp định thương mại được ký kết sẽ có không ít thách thức vì không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài cùng được hưởng lợi. Trong khi doanh nghiệp nội địa vẫn thua kém doanh nghiệp nước ngoài cả về tài chính lẫn quản trị doanh nghiệp.

Hiện ngành da giày - túi xách Việt Nam đang lệ thuộc quá lớn vào xuất khẩu, khi 90% sản lượng sản xuất của các nhà máy dành cho xuất khẩu, còn thị trường trong nước lại sử dụng chủ yếu là hàng nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hóa của nhóm đầu tư chiến lược vẫn còn thấp. Cụ thể như tỉ lệ nội địa hóa của da thuộc chỉ đạt 30%, da tổng hợp 40%, các loại phụ liệu trang trí chỉ ở mức gần 45%...

Để khắc phục, các doanh nghiệp trong ngành cần cải tiến mạnh hệ thống quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại như hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP), sản xuất tinh gọn, quy trình cải thiện triệt để khả năng sinh ra lợi nhuận, giúp nâng cao hiệu suất lao động, đáp ứng nhanh và quản trị doanh nghiệp hiệu quả với chi phí thấp. Bên cạnh đó, từng doanh nghiệp phải xây dựng đội ngũ nghiên cứu phát triển vững chắc để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng về kiểu dáng, công nghệ mới, đồng thời, đáp ứng những kỹ năng lao động chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Xuất khẩu giày dép tỉnh Đồng Nai 7 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 1,1 tỷ USD


Trong tháng 7/2014, xuất khẩu sản phẩm này của tỉnh đạt 167 triệu USD, tăng 16,4% so với tháng trước và tăng 5,1% so với tháng 7/2013. Hầu hết các thị trường xuất khẩu đều tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm 2014, dẫn đầu là Hàn Quốc với 323 triệu USD và Hoa Kỳ với 309 triệu USD. Tiếp theo là Bỉ với 98 triệu USD, Trung Quốc 50 triệu USD và Anh với 75 triệu USD.

Tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh đạt được nhờ vào Hệ thống ưu đãi thuế quan chung (GSP) mà Liên minh châu Âu đã cấp cho Việt Nam, cùng với sự phục hồi nền kinh tế ở nhiều thị trường, trong đó có EU và Hoa Kỳ.

Ngoài ra, nguồn lao động dồi dào và chất lượng sản phẩm cũng giúp thu hút các đơn hàng từ nhiều địa phương như Nike, Adidas và Puma.

Ý kiến bạn đọc