Nông, lâm thủy sản
Gạo xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ
12/09/2014

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thương mại biên giới tuyến biên giới Việt - Trung, 6 tháng đầu năm tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua tuyến biên giới đạt 8,59 tỷ USD, trong đó xuất nhập khẩu đạt 2,61 tỷ USD, trao đổi hàng cư dân biên giới đạt 0,39 tỷ USD, tạm nhập, tái xuất đạt 1,69 tỷ USD, chuyển khẩu, kho ngoại quan đạt 4,21 tỷ USD.

Thương mại tuyến biên giới Việt-Trung vẫn duy trì được đà phát triển với mức tăng trưởng bình quân 4%/tháng. Quy mô của thương mại qua biên giới Việt – Trung trong thời gian này tương đối lớn, chiếm tỷ trọng trung bình trên 24% trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Trung cùng giai đoạn.

Các phương thức khác như kinh doanh tạm nhập – tái xuất tăng trưởng không đều, tạm nhập ít nhưng tái xuất nhiều, kim ngạch tạm nhập chỉ chiếm khoảng 23,76% kim ngạch tái xuất và giảm 29% so với cùng kỳ năm 2013; kinh doanh kho ngoại quan, chuyển khẩu cũng có tình trạng tăng trưởng không đều, tháng thấp tháng cao nhưng tăng 8% so với cùng kỳ năm 2013.

Hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi qua biên giới rất phong phú, đa dạng, phản ánh được khá đầy đủ cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu trong thương mại Việt – Trung nói chung. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nhóm hàng nông lâm thủy sản như đường, gạo, cao su, sắn và sản phẩm của sắn, hoa quả tươi các loại (dưa hấu, vải quả, chuối, thanh long, xoài…).

Trong số các mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc, gạo là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn nhất với 529.000 tấn, đạt giá trị khoảng 198 triệu USD. Có tới 97% lượng gạo được xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, khu vực thí điểm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Mặt hàng vải quả tươi với 96.385 tấn, đạt giá trị 62,2 triệu USD. Mặt hàng dưa hấu với 152.628 tấn, đạt 9,1 triệu USD…

Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào cần thiết cho sản xuất như phân bón các loại, nguyên liệu lá thuốc lá, than cốc, hóa chất…, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng và điện năng.

Tuy nhiên, do chính sách về thương mại biên giới hiện chưa được hoàn thiện có hệ thống đã ảnh hưởng đến việc quản lý và điều hành thương mại biên giới, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở. Sự khác biệt về chính sách và biện pháp quản lý giữa Việt Nam và Trung Quốc nhiều lúc gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa, thậm chí còn bị phía bên kia lợi dụng, doanh nghiệp bị động.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, việc nhanh chóng hoàn thiện, ban hành văn bản sửa đổi Quyết định 254/2006/QĐ-TTg và các chính sách liên qua đến cư dân biên giới là rất cần thiết nhằm giải quyết tình trạng gian lận thuế, đảm bảo cho thương mại biên giới thông suốt.

Bên cạnh đó, tất cả các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới có hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới bên phía Việt Nam đều được bố trí đầy đủ lực lượng chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, bên phía Trung Quốc chỉ coi các hoạt động này là hoạt động của chợ biên giới, hoạt động mua bán, trao đổi cư dân biên giới nên thường không có lực lượng chức năng quản lý hoặc chỉ có lực lượng biên phòng làm nhiệm vụ giám sát. Do vậy, trong một số trường hợp khi thấy tình hình hoạt động quá sôi động thì phía Trung ương Trung Quốc lại tăng cường kiểm tra, giám sát khiến cho hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn.

Để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại tuyến biên giới Việt-Trung những tháng cuối năm, Ban chỉ đạo thương mại biên giới tuyến biên giới Việt – Trung sẽ thực hiện một số biện pháp như: Thiết lập kênh trao đổi thường xuyên, định kỳ và chặt chẽ giữa Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thương mại biên giới với cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thương mại biên giới các tỉnh để kịp thời đề xuất hướng giải quyết những khó khăn vướng mắc; tiếp tục hoàn thiện dự thảo hiệp định thay thế “Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc” được ký năm 1998; phối hợp với phía Trung Quốc nghiên cứu, rà soát, xây dựng quy hoạch các cặp chợ biên giới trên tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, để tạo cơ hội thu hút đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống các cặp chợ này và tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa qua biên giới.

Ý kiến bạn đọc