Nông, lâm thủy sản
Giá thành mắc ca dưới 30.000 đồng mỗi kg mới có lãi
07/10/2015
Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 31/5, trong nhiều nội dung thì các vấn đề liên quan đến cây mắc ca một lần nữa được gửi tới Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát.
 
Theo ông, kết quả theo dõi 20 năm qua cho thấy có thể trồng cây mắc ca ở nhiều vùng, đặc biệt là Tây Nguyên và Tây Bắc. Tuy nhiên, việc phát triển cây mắc ca phải tuân thủ các quy trình rất chặt chẽ về mặt kỹ thuật, đặc biệt là về giống. Hiện, Bộ đã công nhận khoảng 10 giống đủ điều kiện để trồng, đồng thời khuyến cáo bà con nông dân chỉ trồng cây mắc ca đã khảo nghiệm.
Bộ trưởng Phát cho biết sau khi cân nhắc các mặt về điều kiện tự nhiên, khả năng chuẩn bị giống, thị trường trước mắt đến năm 2020 nước ta phát triển khoảng 10.000 ha.
 
“Bà con chỉ nên trồng với giá thành sản xuất dưới 30.000 đồng mỗi kg quả khô thì mới đảm bảo khả năng phát triển bền vững, lâu dài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Cùng đó, vấn đề tiêu thụ một số nông sản như hành tím, vải thiều cũng được người dân đặc biệt quan tâm. Về nguyên nhân chính dẫn đến giá hành tím Sóc Trăng giảm thời gian qua, Bộ Nông nghiệp cho biết, 70% hành tím xuất khẩu đi các nước, trong đó chủ yếu là Indonesia. Song, từ cuối 2014, nước này đã dừng nhập khẩu hành dẫn đến việc rớt giá. Cơ quan điều hành hai nước đang liên hệ lại với nhau về tìm các biện pháp tháo gỡ.
 
Với việc quả vải được xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Australia vào ngày 30/5 và 1/6, tư lệnh ngành Nông nghiệp khẳng định đây là một khởi đầu tốt, giúp đa dạng hóa thị trường cho trái vải tươi. Song theo ông, những thị trường này có yêu cầu cao về chất lượng, đồng thời chi phí bảo quản, vận tải cũng khá lớn, cần thời gian để doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu để xuất khẩu hàng nông sản sang các thị trường này.
 
Hiện, Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao làm việc với các nước để khơi thông về mặt thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho các loại rau quả của nước ta bán được sang các thị trường nước ngoài nhiều hơn. Ngoài ra, Bộ cũng làm việc trực tiếp với các nước để thống nhất những thủ tục có liên quan đến kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng.
Nguồn: http://kinhdoanh.vnexpress.net/ 
Ý kiến bạn đọc