Nông, lâm thủy sản
Nông dân Quảng Ngãi lại "đánh cược" với mùa dưa mới
25/06/2015
 "Thua keo này, bày keo khác", những ngày này, hàng trăm nông dân Quảng Ngãi tiếp tục vay mượn vốn đầu tư, xuống giống vụ dưa hấu mới dọc theo bãi bồi ven sông Trà Khúc, với hy vọng gỡ gạc những thất bát vừa qua. Thống kê sơ bộ các địa phương, người dân đã xuống giống ít nhất gần 100ha vụ mới trên địa bàn.
Ông Dương Song Vinh (ngụ xã Bình Chương, huyện Bình Sơn) cho biết, vụ dưa trước do lũ lớn tràn về nên gia đình ông mất trắng. "Vợ chồng tôi vay mượn của người thân 30 triệu đồng tiếp tục ươm giống, mua bạt, làm đất trồng lại vụ dưa mới trên diện tích 5.000m2 hy vọng lấy lại những gì đã mất", ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, trồng vụ mới này vẫn nơm nớp lo sợ lũ tiểu mãn đổ về trong tháng 4 (Âm lịch) sắp tới, gây ngập úng và giá cả tuột dốc dễ gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nông dân vẫn tiếp tục xuống giống vì không biết trồng cây gì khác hoặc làm nghề gì thay thế để mưu sinh.
Từng có thâm niên hơn 15 năm trồng dưa, ông Nguyễn Thanh Lai - người dân trồng dưa ven bãi bồi sông Trà - cho hay, trồng dưa hấu chỉ gần ba tháng là có thể thu hoạch. Mỗi ha dưa hấu có thể đạt sản lượng khoảng 50 tấn, nếu bán được giá thu lãi hơn 100 triệu đồng, lợi nhuận không có cây gì sánh bằng. Tuy nhiên thời tiết bất thường, giá cả dưa hấu giảm mạnh như vụ vừa qua thì thua lỗ, trắng tay.
Nhiều nông dân Quảng Ngãi thừa nhận trồng dưa hấu giống hệt "đánh bạc", chủ yếu tự phát dựa vào hên xui, may rủi. Thiếu thông tin định hướng thị trường nên năm nào được mùa thì bị thương lái ép giá, chịu nhiều thua thiệt.
Ông Huỳnh Thuận - Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh) cho hay đã nhiều lần dùng loa phát thanh khuyến cáo người dân không nên tiếp tục xuống giống trồng vụ dưa mới vì có nguy cơ bí đầu ra. "Các tổ chức, cá nhân từ thiện có thể "giải cứu" mua giúp dưa cho nông dân tạm thời một, hai vụ chứ về lâu dài làm sao có thể giúp mãi được", vị này cảm thán.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Quảng Ngãi khẳng định, dưa hấu không nằm trong cơ cấu phát triển của ngành, không khuyến khích người dân trồng. Nếu không trồng dưa rải vụ, tính toán thị trường thì cuộc sống của bà con nông dân sẽ lâm cảnh luẩn quẩn, nhọc nhằn vì nông sản rớt giá.
Để tránh tình trạng dưa hấu bỏ mặc ngoài đồng cho trâu ăn vì thương lái ép giá, tỉnh Quảng Ngãi xác định thế mạnh của ngành nông nghiệp là chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp. Vùng nào trồng lúa không hiệu quả sẽ chuyển qua trồng bắp (ngô) cho năng suất cao. Vùng nào có điều kiện gần nguồn nước tưới nhưng trồng cây rau màu không hiệu quả thì chuyển sang trồng cỏ phục vụ nuôi gia súc góp phần nâng cao thu nhập, tạo cuộc sống ổn định cho người dân.
Ý kiến bạn đọc