Nông, lâm thủy sản
Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu hơn 2,65 triệu tấn gạo
21/07/2016
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: Xuất khẩu gạo của cả nước trong sáu tháng đầu năm nay đạt hơn 2,65 triệu tấn, trị giá 1,14 tỷ USD. Theo VFA, thị trường nhập khẩu gạo chính vẫn là Trung Quốc, hiện chiếm giữ gần 35% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam, tiếp đó là thị trường châu Phi, In-đô-nê-xi-a…

Theo số liệu thống kê, tổng lượng gạo tồn kho đến cuối tháng 6/2016 vào khoảng 1,27 triệu tấn. Tuy nhiên, ngành công thương dự báo những tháng còn lại của năm 2016 có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường: vụ mùa hè thu năm nay diễn ra trong tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài từ vụ đông xuân và ảnh hưởng của xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng, nhất là các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, Bộ Công Thương dự báo, giá gạo xuất khẩu đang có chiều hướng tăng cộng với việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu cho Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a sẽ khiến giá gạo tăng dần vào các tháng cuối năm 2016.

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Algeria 6 tháng đầu năm 2016

Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Algeria đã đạt 5.094 tấn, trị giá 1,98 triệu USD, giảm so với mức 7,6 triệu USD cùng kỳ năm 2015.

Nguyên nhân của việc giảm nhập khẩu này là do chính sách siết chặt nhập khẩu của Chính phủ Algeria trước việc nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ giảm mạnh, thâm hụt thương mại lên tới 9,8 tỷ USD. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Algeria, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng lương thực thực phẩm trong đó có gạo của Algeria chỉ đạt 3,4 triệu USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2015. Mặt khác, tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Algeria mới đây tuyên bố, thông qua Chương trình phát triển nông nghiệp 5 năm 2015 – 2019 và trên cơ sở năng lực sẵn có trong nước, Algeria sẽ giảm nhập khẩu ngũ cốc (trong đó có gạo) và tiến tới tự túc lúa mì cứng.

Algeria không sản xuất lúa gạo nên mặt hàng này gần như được nhập khẩu 100%. Số lượng gạo nhập khẩu của Algeria khoảng 100.000 tấn/năm, trị giá từ 50 đến 80 triệu USD, chiếm trên 1% cơ cấu tiêu dùng lương thực của nước này.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc