Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) cho hay: Trước đây, xoài tươi của HTX chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc với giá cao hơn một chút so với bán tại vườn. Nhưng từ đầu 2014, HTX đã ký được hợp đồng xuất khẩu xoài tươi sang Ucraina với giá cao gấp 2 lần.
Đặc biệt, mới đây xoài sấy khô gửi qua châu Âu chào hàng đã được chấp nhận và HTX đang gấp rút chuẩn bị để ký hợp đồng. Ngoài 2 thị trường lớn trên thì Dubai đang dự tính sẽ nhập khẩu xoài ba mùa mưa từ HTX Xoài Suối Lớn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích xoài của toàn tỉnh hiện có gần 10.900 ha, tăng hơn 500 ha so với đầu năm 2013. Trong đó, xoài đang trong thời kỳ tạo quả gần 8.000 ha.
Năng suất xoài bình quân của toàn tỉnh xấp xỉ 10 tấn/ha/năm. Một số HTX, câu lạc bộ xoài năng suất cao áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và kỹ thuật mới, đẩy năng suất lên trên ga 20 tấn/ha/năm. Do đó, nhiều nhà vườn trong tỉnh có thể xử lý xoài ra trái rải vụ, tránh vụ chính nên giá cao hơn nhiều so với xoài chính vụ.
Ông Phạm Phú Quốc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Thanh, thị xã Long Khánh tỉnh Đồng Nai cho biết: HTX đã chính thức ký hợp đồng cung ứng sâu riêng và chôm cho siêu thị Aeon của Nhật bản. Đây cũng là hợp đồng dài hạn, không hạn chế số lượng và bắt đầu thực hiện vào mùa vụ năm 2014.
Hợp đồng này sẽ giúp nhiều nông dân ổn định thị trường tiêu thụ và không lo ngại nhiều đến giá cả, đầu ra, nhất là thời điểm rộ mùa và giúp nông dân thâm canh vườn cây tốt hơn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho trái cây đặc sản địa phương.
Giám đốc Công ty TNHH Trái cây Long Khánh - ông Huỳnh Văn Hải, chia sẻ: Công ty vừa ký được hợp đồng xuất khẩu mít, thanh long sang thị trường Trung Quốc, số lượng 5 tấn/tuần. Sau vài đợt giao hàng, phía đối tác đề nghị nhập khẩu với số lượng lớn, song công ty chưa dám ký vì lo không đáp ứng đủ. Ông Hải cũng cho biết thêm, hiện đang có 3 công ty ở TP.Hồ Chí Minh muốn làm trung gian để xuất khẩu một số loại trái cây khác của Long Khánh ra nước ngoài, nhưng công ty chưa đồng ý vì muốn xuất khẩu trực tiếp.
Hiện một số doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, EU... đang đặt vấn đề nhập khẩu trái cây từ Đồng Nai với giá cao gấp 1,5-2 lần so với thị trường trong nước, nhưng sản phẩm phải có chứng nhận GAP (thực hành nông nghiệp tốt) và trái cây bảo quản đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển. Chính vì vậy mà khó nhất của doanh nghiệp hiện nay không phải tìm thị trường mà là bảo quản sau thu hoạch trong vòng 10-15 ngày mà không được dùng các chất có hại.
Ông Nguyễn Hữu Lý, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho biết thêm: Mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho Công ty TNHH Lâm nghiệp và Chăn nuôi Tân Lâm, TP. Biên Hòa đầu tư dự án trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu ở huyện Vĩnh Cữu. Đây là dự án nhằm xây dựng mô hình trồng chuối Nam Mỹ có năng suất cao xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và Trung Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 1.100 USD/tấn.
Dự kiến, dự án này sẽ được thực hiện trên 108 ha đất rừng trong vòng 30 năm, mỗi ha sẽ trồng khoảng 2.000 cây chuối, năng suất khoảng 80 tấn ha. Theo tính toán của chủ đầu tư, mỗi ha chuối Nam Mỹ sẽ cho doanh thu 300 triệu đồng/năm. Đồng thời, dự án sẽ giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động, cải thiện mức sống của người dân và tăng thu ngân sách cho địa phương.