Rào cản thương mại
Cắt giảm thuế theo cam kết của các hiệp định FTA và tác động đến kinh tế Việt Nam
30/09/2015
Từ năm 2015, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm thuế theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Từ năm 2015, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm thuế theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Các hiệp định FTA và vấn đề cắt giảm thuế
Khu vực mậu dịch tự do ASEAN
Theo cam kết, đến năm 2015, Việt Nam phải giảm thuế hầu hết các mặt hàng về mức 0-5%. Để thực hiện cam kết này, Việt Nam đã ban hành các biểu thuế thực hiện thuế suất ưu đãi đặc biệt. Theo đó, sẽ có khoảng 72% số dòng thuế có mức thuế suất là 0%, khoảng 3% các mặt hàng nhạy cảm có thuế suất 5%, và còn lại 25% số mặt hàng hiện nay có mức thuế trên 5%. Trong số 25% mặt hàng này, Việt Nam cần xác định 7% các mặt hàng linh hoạt đến năm 2018 mới đưa về mức cam kết 0%. Ước tính, mức độ giảm thu NSNN trung bình trong giai đoạn 2014 - 2018 vào khoảng 7,4 triệu USD/năm.
Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc
Việt Nam tham gia khu vực này từ năm 2002 và bắt đầu thực hiện các cam kết về thuế từ năm 2005. Tính đến 31/12/2014 có khoảng 45% số dòng thuế có mức thuế suất là 0%. Từ 2015, Việt Nam cắt giảm thuế quan cho toàn bộ mặt hằng thuộc danh mục thông thường về 0%, trong đó linh hoạt cho 250 dòng thuế thuộc danh mục linh hoạt xóa bỏ về 0% từ năm 2018 và giảm thuế về 20% cho hàng hóa thuộc danh mục nhạy cảm. Ước tính, mức độ thu NSNN giai đoạn 2015-2018 tăng trung bình 9,1 triệu USD mỗi năm so với năm trước liền kề.
Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN – Hàn Quốc
Việt Nam tham gia vào Hiệp định này từ năm 2005 và bắt đầu thực hiện cam kết thuế năm 2007. Tính tới 31/12/2014, mới chỉ có khoảng 30% số dòng thuế có mức thuế suất là 0%. Từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế quan cho 90% mặt hàng thuộc danh mục thông thường, 10% còn lại (818 dòng thuế) sẽ được linh hoạt cắt giảm về 0% vào năm 2016 (340 dòng) và vào năm 2018 (478 dòng). Bên cạnh đó, tất cả các dòng thuế thuộc danh mục nhạy cảm của Việt Nam sẽ cắt giảm thuế suất về 20% năm 2017. Vào cuối lộ trình năm 2021, số dòng thuế được xóa bỏ chiếm 85,6% số dòng thuế trong toàn biểu cam kết.
 
Dự kiến việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế sẽ làm giảm thu NSNN trung bình trong giai đoạn 2015-2018 so với năm 2014 khoảng 25,2 triệu USD, chủ yếu là các nhóm hàng dệt may (8,2 triệu USD), máy móc thiết bị điện (6,5 triệu USD), sắt thép (1,5 triệu USD), xăng dầu (1,6 triệu USD), da giầy (1,2 triệu USD)…
 
Khu vực thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản
 
Trong khu vực thương mại tự do này, biểu cam kết tính đến 31/3/2015 bao gồm 9.390 dòng thuế. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 62,2% số dòng thuế trong vòng 10 năm, trong đó xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 26,3 dòng thuế, và xóa bỏ thuế quan sau 10 năm thực hiện đối với 33,8 (năm 2018). Vào năm 2023 và 2024, Việt Nam cam kết xóa bỏ 25,7% và 0,7% số dòng thuế tương ứng. Vào cuối lộ trình (năm 2025), số dòng thuế được xóa bỏ thuế quan chiếm 88,6% số dòng thuế trong toàn biểu cam kết.
 
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản
 
Việt Nam ký kết hiệp định này với Nhật Bản vào ngày 25/12/2008. Trong vòng 10 năm kể từ khi thực hiện hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hóa đối với khoảng 87,7% kim ngạch thương mại và Nhật Bản cam kết tự do hóa đối với 94,5% kim ngạch thương mại.
 
Biểu thuế cam kết của Việt Nam đến 31/3/2015 bao gồm 9.390 dòng thuế. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 75,2% số dòng thuế trong vòng 10 năm, trong đó xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 27,5% dòng thuế và xóa bỏ thuế quan sau 10 năm (năm 2019) đối với 40,3% dòng thuế. Theo tính toán khi thực hiện cả hai Hiệp định ASEAN – Nhật Bản và Việt Nam – Nhật Bản, thu NSNN sẽ giảm 4,2 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn 2015-2018. Thu NSNN với các mặt hàng trong khuôn khổ hai hiệp định này ước tính gần 340 triệu USD năm 2014.
 
Hiệp định FTA ASEAN – Australia – New Zealand
 
Hiệp định này có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 01/01/2010. Theo cam kết, tính đến năm 2014 có khoảng 28% số dòng thuế có mức 0%. Đến 2020, các mặt hàng thuộc danh mục thông thường chiếm 90% số dòng thuế và sẽ được cắt giảm về 0%. Ước tính, NSNN sẽ giảm thu gần 3,6 triệu USD năm 2015; 12,5 triệu USD năm 2016; hơn 1 triệu USD năm 2017; và 1 triệu USD năm 2018.
 
Hiệp định FTA ASEAN - Ấn Độ
 
Tham gia từ năm 2009, Việt Nam bắt đầu thực hiện các cam kết thuế từ năm 2010. Tính đến năm 2014 có khoảng 12,3% số dòng thuế có mức thuế suất 0%. Đến năm 2018, Việt Nam sẽ cắt giảm 60,7% số dòng thuế về 0%. Năm 2021 cắt giảm 22,7% số dòng thuế còn lại xuống 0%. Năm 2024 cắt giảm thuế danh mục nhạy cảm cao và kết thúc lộ trình giảm thuế. Ước tính, mức tăng thu NSNN trong bình trong giai đoạn 2014-2018 là hơn 15%/năm (dự kiến thu ngân sách hơn 59 triệu USD năm 2014 tăng lên 104 triệu USD năm 2018).
 
Hiệp định FTA Việt Nam – Chile
 
Việt Nam ký kết hiệp định này vào tháng 11/2011. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với gần 83,9% số dòng thuế trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ thêm 4,7% số dòng thuế trong vòng 15 năm.
 
Năm 2015 được đánh giá là năm bản lề quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Năm nay đánh dấu bước khởi đầu của lộ trình cắt giảm ở mức sâu nhất và tiến tới cam kết cuối cùng về xóa bỏ thuế quan của thuế suất nhập khẩu trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các đối tác quan trọng như ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc… Bên cạnh đó, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay cũng hứa hẹn những sự thay đổi kèm theo đó là nhiều áp lực mới.
 
Những tác động đến nền kinh tế
 
Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA nói riêng, cơ hội và thách thức sẽ chia đều cho tất cả các bên, sẽ có những tác động hai chiều đối với mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, trong những năm qua, chính sách mở cửa hội nhập, tham gia vào các FTA đã đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển, cải cách kinh tế đất nước.
 
Cụ thể, hội nhập đã góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho phát triển. Đầu tư từ các nước đối tác thương mại với Việt Nam luôn trong nhóm dẫn đầu góp phần vào quá trình sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân và đem lại lợi ích kinh tế cho xã hội. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều không gian phát triển mới cho kinh tế đất nước. Theo đó, GDP của Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, thời kỳ 1992-1997 bình quân là 8,75%/năm, thời kỳ 2002-2007 bình quân là 7,55%/ năm, thời kỳ 2008-2013 dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP bình quan của Việt Nam vẫn đạt 5,85%/ năm; riêng năm 2014 GDP đạt 5,98%.
 
Việc mở rộng FTA với nhiều đối tác không những giúp Việt Nam tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống mà còn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là lợi thế thương mại từ các thị trường mới. Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu nông sản sang gần 160 nước trên thế giới và khu vực đến nay đã tăng lên khoảng 240 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cán cân thương mại tăng nhanh, mặc dù giai đoạn sau năm 2003 có dấu hiệu thâm hụt thương mại, tuy nhiên, đến năm 2014, cán cân thương mại đã có dịch chuyển đáng ghi nhận từ nhập siêu sang xuất siêu. Theo đó, năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt hơn 298,24 tỷ USD, tăng 12,9%, tương ứng tăng 34,17 tỷ USD so với năm 2013; trong đó xuất khẩu đạt kim ngạch 150,19 tỷ USD, tăng 13,7%, tương ứng tăng hơn 18,15 tỷ USD; nhập khẩu đạt hơn 148,05 tỷ USD, tăng 12,1%, tương ứng tăng hơn 16,02 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2014 đạt mức thặng dư 2,14 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
 
Bên cạnh đó, với việc thực hiện các Hiệp định, Việt Nam đã tạo ra cơ hội to lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển dịch luồng vốn đầu tư vào Việt Nam, trong đó nhiều DN tiếp cận được với các khoản vốn ưu đãi đầu tư. Việc thực hiện các cam kết trong FTA tạo động lực để DN đẩy nhanh cải cách, tự sắp xếp lại, chủ động chuyển hướng đầu tư, chuyển giao công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, từ đó tạo ra tư duy làm ăn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
 
Một số ngành nông nghiệp mà Việt Nam có lợi thế sẽ tận dụng được cơ hội từ việc hội nhập để có các nguồn nguyên liệu làm đầu vào cho sản xuất và giảm chi phí đối với hàng hóa xuất khẩu. Ngành chăn nuôi bò, lợn, gà được đánh giá sẽ bị tác động trực tiếp do giảm thuế từ các Hiệp định ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN - Australia - New Zealand… với mức thuế suất thấp hơn nhiều so với mức thuế ưu đãi chung theo cam kết. Tuy nhiên, các hiệp định FTA cũng sẽ tạo ra nguy cơ phụ thuộc ngày càng tăng vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu và giảm đầu tư cho sản xuất tự cung cấp trong nước. Đặc biệt, nguy cơ này sẽ tăng khi mức độ ưu đãi về thuế ngày càng cao từ các thị trường nước ngoài. Ngoài ra, các DN trong nước cũng sẽ đứng trước sức ép cạnh tranh sống còn khi tham gia vào công đoạn có giá trị cao hơn của chuỗi giá trị, các vụ kiện tranh chấp sẽ tăng lên…
 
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với lộ trình thuế suất giảm xuống 0% dự báo, thời gian tới, khả năng nhập khẩu các mặt hàng thịt sẽ tăng, nhất là thịt gà từ Hàn Quốc. Ngành sữa nhập khẩu cũng chịu tác động theo cam kết trong Hiệp định ASEAN-Australia-New Zealand khi thuế suất nhập khẩu mặt hàng này sẽ giảm xuống mức 0% vào năm 2020. Việc hạ thuế suất nhập khẩu sẽ khiến nguy cơ phụ thuộc vào nguyên liệu sữa ngoại nhập và các sản phẩm sữa nhập khẩu ngày càng cao. Vừa qua, các nước ASEAN cũng đã thảo luận về việc dỡ bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường. Theo đó, hạn ngạch nhập khẩu đường của Việt Nam dự kiến sẽ phải dỡ bỏ kể từ năm 2018. Nguy cơ nhập khẩu từ cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tăng cao, sẽ khiến ngành mía đường trong nước gặp khó khăn do nước ta đã bảo hộ tối đa ngành này trong suốt thời gian qua, kể từ khi hội nhập. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ thực hiện cam kết mở cửa thị trường ôtô trong các Hiệp định ASEAN và ASEAN-Trung Quốc. Đây là một thách thức bởi sau một thời gian dài bảo hộ và phát triển chính sách trong nước, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn phát triển rất yếu ớt và chậm hơn rất nhiều so với các quốc gia láng giềng như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
 
Sang năm 2018, khi thuế nhập khẩu mặt hàng này giảm xuống 0% với thị trường ASEAN và 50% vào năm 2020 với thị trường Trung Quốc, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam dự báo sẽ phải chịu sự cạnh tranh quốc tế rất gay gắt. Mặt khác, ngành máy móc thiết bị, điện gia dụng cũng là ngành hàng chịu tác động lớn khi thuế suất giảm từ các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, ngành sản xuất thép dự kiến sẽ gặp những ảnh hưởng tiêu cực từ các FTA. Với Hiệp định Liên minh hải quan (với Nga, Belarus, Kazakhstan) mặt hàng thép xây dựng Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn với Nga. Ngoài ra, ngành Giấy cũng sẽ chịu sự cạnh tranh to lớn khi thuế suất nhập khẩu từ các thị trường ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc… giảm mạnh.
 
Có thể thấy nội dung quan trọng nhất trong các FTA mà Việt Nam tham gia đến nay là lộ trình cắt giảm thuế quan. Do đó, tác động chủ yếu của các cam kết trong FTA là do hiệu ứng của việc cắt giảm thuế quan.
 
Trong các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN, Hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc và ASEAN - Hàn Quốc đều phải đưa thuế nhập khẩu với nhiều các mặt hàng về 0% từ ngày 1/1/2010, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ này từ ngày 1/1/2015 và ngày 1/1/2016 (đối với FTA ASEAN - Hàn Quốc). Cụ thể, gần 100% mặt hàng xuất khẩu của ta sang ASEAN không chịu thuế quan từ năm 2010. Trung Quốc và Hàn Quốc đã bỏ thuế nhập khẩu cho 90% số dòng thuế từ năm 2010. 95% số dòng thuế và 94% kim ngạch xuất khẩu của ta với Nhật Bản đã không chịu thuế quan từ năm 2009. 96,4% số dòng thuế của Australia và gần 85% số dòng thuế của New Zealand đã đạt mức 0% từ năm 2010. Năm 2018, 100% hàng xuất khẩu của ta sang hai nước này sẽ không chịu thuế quan. 75% số dòng thuế của Ấn Độ đạt 0% từ năm 2010 và sẽ tiếp tục đưa lên 90% số dòng thuế 0% vào năm 2016.
 
 
Về mặt nhập khẩu, tác động của cam kết thuế quan đối với nhập khẩu sẽ thể hiện rõ nhất vào năm 2015 (đối với FTA ASEAN - Hàn Quốc là 2016).
 
Trong các Hiệp định với Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ, lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam cũng khá dài, phần nhiều các mặt hàng có lộ trình từ 10 tới 15 năm. Như vậy, tới năm 2019 hoặc 2024 Việt Nam mới phải đưa thuế suất của các mặt hàng này xuống 0%. Tuy nhiên, khi xem xét tác động của các cam kết thuế quan đối với nhập khẩu bên cạnh thuế suất trung bình (thuế suất danh nghĩa) thì một yếu tố đáng lưu ý là mức độ bảo hộ thực tế vì thuế suất trung bình chưa phải là chỉ số hữu hiệu để đánh giá về hàng rào bảo hộ thương mại hay tác động của cam kết thuế quan trong WTO và các FTA đối với nền kinh tế. Thuế suất trung bình với trọng số là giá trị nhập khẩu sẽ là chỉ số tốt hơn để đánh giá tác động của các cam kết thuế quan đối với nền kinh tế.
 
Thực tế, khi gia nhập WTO, Việt Nam phải cắt giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi từ mức trung bình 17,4% xuống còn 13,4% vào năm 2019, trong đó thuế suất đối với nông nghiệp giảm từ khoảng 25,2% xuống còn khoảng 21%, công nghiệp, chế tạo giảm từ 16,1% xuống còn 12,6%, khai khoáng và khí đốt giảm từ 5,61% xuống còn 5,58%. Tuy nhiên, nếu tính thuế suất trung bình với trọng số là giá trị nhập khẩu năm 2005 thì thuế suất cam kết trong WTO không hề tác động tới mức độ bảo hộ sản xuất trong nước hay nhập khẩu, thậm chí còn làm tăng mức độ bảo hộ sản xuất trong nước.
 
Một số nhận xét và hàm ý
 
Mức độ hội nhập kinh tế quốc tế càng cao thì lợi ích từ hội nhập thu được càng lớn, tuy nhiên, hội nhập chỉ là điều kiện cần, nếu thiếu sự chuẩn bị và cải cách trong nước mạnh mẽ thì lợi ích sẽ thuộc về các đối tác thương mại. Việt Nam đã bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài trong thời gian qua. Về dài hạn, khi tham gia các Hiệp định FTA, có thể Việt Nam sẽ rơi vào “bẫy chi phí lao động thấp”/“bẫy tự do hóa thương mại” do lợi thế tĩnh sẽ cạn dần trong khi lợi thế cạnh tranh động nhờ lợi thế quy mô, cạnh tranh và cải thiện công nghệ không được tạo dựng.
 
Về lý thuyết, giảm thuế nhập khẩu thì thu thuế nhập khẩu sẽ giảm. Trên thực tế, tỷ trọng thu từ thuế nhập khẩu trong tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn trước hội nhập (2001-2006) là 30% và giảm xuống còn khoảng 20% giai đoạn sau hội nhập (2007-2014). Tuy nhiên, thuế nhập khẩu chỉ là một trong 4 loại thuế thu từ hoạt động nhập khẩu. Cụ thể có thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế bảo vệ môi trường. Trong 4 loại thuế này chỉ có thuế nhập khẩu là giảm theo cam kết.
 
Như vậy, vấn đề đặt ra là Bộ Tài chính cần tính toán đến cơ cấu nguồn thu để đảm bảo thu NSNN cho năm 2015 cũng như các năm từ nay đến năm 2020. Theo đó, Bộ Tài chính nên tính toán việc xây dựng lộ trình phù hợp đối với từng mặt hàng như cam kết giảm thuế dài hơn đối với các mặt hàng mà đối tác có lợi thế cạnh tranh hay có kim ngạch nhập khẩu lớn, đồng thời có các biện pháp chính sách tài chính để hỗ trợ DN.
 
Đối với các Hiệp định FTA, mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa (ngoại trừ một số ít mặt hàng nhạy cảm) cao hơn nhiều cam kết trong WTO; tự do hóa đầu tư và dịch vụ không vượt nhiều WTO và khó có thể coi là GATS+. Nếu như việc gia nhập WTO, sức ép lớn nhất là về mặt thể chế và dịch vụ, thì các FTA song phương và khu vực lại gây nhiều sức ép nhất về thương mại hàng hóa. Nhìn chung, cam kết mạnh mẽ nhất về hàng hóa của ta ASEAN và các FTA ASEAN+1 yêu cầu khoảng 90% số dòng thuế sẽ về 0% vào năm 2015, phần lớn trong số còn lại sẽ đưa về 0% vào năm 2018. Việc giảm mạnh thuế quan sẽ là cơ hội lớn tiếp cận thị trường và xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các đối tác thường tự do hóa nhanh hơn hoặc có ưu đãi hơn. Tuy nhiên tận dụng cơ hội đến đâu còn tùy thuộc vào chính sách thuận lợi hóa thương mại của chính phủ và khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ (ROO), quy định liên quan đến hàng rào kỹ thuật, việc liên kết mạng hân phối cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Ý kiến bạn đọc