Rào cản thương mại
Nông nghiệp 2016: Vượt thách thức, duy trì tăng trưởng
26/12/2016
Trong năm 2016, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả tích cực; tình hình sản xuất, kinh doanh được duy trì và có nhưng “bứt phá ngoạn mục”; qua đó, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội của nhân dân và phát triển đất nước.

Ba điểm sáng lớn mà ngành đạt được là: Tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm; xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến căn bản, rõ nét, được cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá cao.

Những pha “lội ngược dòng” ngoạn mục

Năm 2016 là một năm cực kỳ gian nan, vất vả và khó khăn đối với ngành NN&PTNT. Từ đầu năm đến nay, liên tục quý nào cũng xảy ra thiên tai và đều ở mức độ khốc liệt. Đầu năm, trận rét đậm, rét hại lịch sử 60 năm xảy ra ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, gây ra thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp. Tiếp theo đó là đợt hạn lịch sử tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên; hạn, mặn lịch sử (100 năm) ở đồng bằng sông Cửu Long…

Do chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai và sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung nên 6 tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,18%. Hàng loạt các mặt hàng chủ lực, vốn là thế mạnh xuất khẩu như: lúa gạo, cà phê, cao su, sắn, tôm… đều sụt giảm cả về số lượng và giá trị. Về lúa vụ Đông Xuân, chỉ tính riêng đồng bằng sông Cửu Long bị mất tới hơn 1,14 triệu tấn lúa (giảm -10,2% so với cùng kỳ) do ảnh hưởng của hạn hán. Với mặt hàng tôm nước lợ, trong 6 tháng đầu năm sản lượng chưa đạt 200.000 tấn (bằng 28% sản lượng theo kế hoạch).

Trong bối cảnh khó khăn dồn dập, liên tục xảy ra, Bộ NN&PTNT đã đề ra các giải pháp sát đúng và quyết liệt triển khai thực hiện, nên tăng trưởng ngành được phục hồi sau 6 tháng cuối năm. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%. Mặt hàng rau quả đánh dấu sự phát triển mạnh vượt trội khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã “vượt qua mặt hàng gạo”, cán đích 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Tương tự, mặt hàng tôm nước lợ đã phục hồi và gia tăng mạnh mẽ, 6 tháng cuối năm sản lượng tôm đạt vượt 650.000 tấn, diện tích thả nuôi cũng được mở rộng lên 700.000 ha... Nhờ đó, xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự “bùng nổ” mạnh mẽ trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con (tăng 4,8%), đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con (tăng 6,6%)…; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,4% so với năm 2015.

Ba trục sản phẩm tạo đột phá chiến lược

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ: Bước sang năm 2017, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành như sau: Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản: 2,5-2,8%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành: 3,0 - 3,2%; Kim ngạch xuất khẩu: 32,0 - 32,5 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng: 41,45%; Tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới: 28-30%.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, trong năm 2017, Bộ NN&PTNT sẽ cố gắng thực hiện 2 nhiệm vụ lớn: tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng Bộ Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, trong năm 2017 phải tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Sản phẩm quốc gia (bước đầu lựa chọn 10 sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên); sản phẩm chủ lực thứ 2 là cấp tỉnh như vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, na dai Lạng Sơn, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) theo hướng mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm; sản phẩm thứ 3 là trục sản phẩm đặc sản của địa phương như rau hoa… “Tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt, đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh và phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành. Kết quả, ngành nông nghiệp đã lấy lại được đà tăng trường. Giá trị xuất khẩu cả năm ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%...
 
http://baocongthuong.com.vn/
Ý kiến bạn đọc