Rào cản thương mại
Tăng lực cho hàng Việt vào ASEAN
10/12/2016
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có văn bản giao các bộ, ngành tìm giải pháp tăng cường quan hệ thương mại với khu vực ASEAN nói chung và đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng hóa sang khu vực này nói riêng.

Theo Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN đạt 15,79 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN đạt 21,24 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Xu hướng giảm đã kéo dài nhiều tháng nay.

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận định, doanh nghiệp đã có ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng mới chỉ chú trọng nâng cao chất lượng và giảm giá bán. Tuy nhiên, để hàng hóa chiếm lĩnh thị trường ASEAN đòi hỏi phải nâng cao khả năng cạnh tranh ở ít nhất 3 khía cạnh, gồm: Sản xuất quy mô lớn, giao hàng đúng thời điểm, tiếp cận được kênh phân phối phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các thị trường trong khối ASEAN có sự khác biệt về nhu cầu hàng hóa, bởi khu vực này quy tụ nhiều quốc gia với quy mô dân số, văn hóa, tôn giáo, thói quen tiêu dùng, đặc điểm khí hậu khác biệt. Do đó, để có thể thành công cần tìm hiểu kỹ đặc tính của từng thị trường, từ đó có các hoạt động thâm nhập phù hợp.

Nhằm tận dụng các ưu đãi từ AEC, tăng cường quan hệ thương mại với khu vực ASEAN nói chung và tăng XK hàng hóa vào khu vực này nói riêng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, cam kết về thương mại trong ASEAN với nội dung cụ thể, phương thức phù hợp cho từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân về cơ hội, thách thức để kịp thời xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Đồng thời, nghiên cứu, làm rõ nhu cầu hàng hóa của thị trường ASEAN gắn với phân tích khả năng cạnh tranh của hàng hóa từ thị trường các nước có điều kiện kinh tế, năng lực sản xuất tương đồng với Việt Nam. Trên cơ sở đó, xác định những mặt hàng chủ lực, có lợi thế, sức cạnh tranh và tiềm năng, tập trung thực hiện các biện pháp phù hợp, khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương, kết nối, tìm kiếm cơ hội kinh doanh để mở rộng thị trường, bạn hàng nhập khẩu. Tăng cường công tác thông tin thị trường; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ hàng Việt thường niên tại các thị trường tiềm năng…

Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt tại nước ngoài; thâm nhập và thiết lập quan hệ đối tác lâu dài, chiến lược với các chuỗi phân phối ở thị trường các nước ASEAN nhằm mở rộng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại các thị trường này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tập trung rà soát các rào cản thương mại của nước nhập khẩu, nhất là các hàng rào về kiểm dịch, chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục rà soát cụ thể tình hình nhập khẩu từng mặt hàng và nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật quản lý chuyên ngành phù hợp để tăng cường quản lý nhập khẩu, có tính đối đẳng như các nước áp dụng với hàng xuất khẩucủa Việt Nam.
 
Sau 11 tháng, trái với xu hướng tăng trưởng của hầu khắp các thị trường trọng điểm của nước ta như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩuhàng hóa sang ASEAN liên tục sụt giảm.

http://baocongthuong.com.vn/
Ý kiến bạn đọc