Rào cản thương mại
Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tăng trưởng do tác động tích cực từ VKFTA
01/12/2016
Nhân dịp Triển lãm Giao thương Hàn Quốc 2016 (Korean Expo 2016) tại Hà Nội từ ngày 30/11 - 1/12/2016, ông Park Chulho - Tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA Hanoi) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về hoạt động thương mại Việt Nam - Hàn Quốc.

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã mở ra cơ hội xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc như thế nào, thưa ông?

Theo nội dung cam kết, hầu hết các mặt hàng dệt may từ Việt Nam vào Hàn Quốc thuế suất được đưa về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thay vì từ 8-13% như trước đây. Hiện dệt may là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc, chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này. Một mặt hàng khác mà Việt Nam hiện cũng xuất khẩu khá mạnh vào thị trường Hàn Quốc là thủy sản, đặc biệt là tôm. Hiệp định có hiệu lực, Hàn Quốc đã xóa bỏ thuế cho mặt hàng tôm (thuế suất 0%) nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng chỉ áp dụng trong hạn ngạch. Ngoài ra, đối với nhiều mặt hàng như rau, quả, tỏi, gừng, mật ong... Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên mà Hàn Quốc cam kết cắt giảm thuế, với lộ trình cắt giảm kéo dài từ 10-15 năm, đem lại cơ hội khá lớn cho Việt Nam.
 
Thưa ông, tuy có nhiều thuận lợi, nhưng đâu là trở ngại trong thúc đẩy thương mại giữa hai nước?

Dù Việt Nam là đối tác thương mại tự do đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm nhạy cảm, nhưng Việt Nam không dễ xuất khẩu được nhiều các mặt hàng này, bởi phần lớn nông - lâm - thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc vướng rào cản vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), trong đó có trái cây. Ngược lại, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có nhiều vướng mắc liên quan thủ tục hải quan của Việt Nam. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp vì có thể phát sinh thêm các chi phí.

Trước thực tế này, phía Hàn Quốc có giải pháp gì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu vào Hàn Quốc?

Hàn Quốc hiện đang hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, sức cạnh tranh trong những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác như: Nông - lâm nghiệp, công nghiệp điện tử, lọc hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ... Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cam kết dành thêm cơ hội thị trường cho lĩnh vực dịch vụ, đầu tư của Việt Nam.

Việt Nam và Hàn Quốc đang hướng tới kim ngạch thương mại hai chiều đạt 70 tỷ USD vào năm 2020. Theo ông, đâu là thuận lợi và khó khăn để thực hiện mục tiêu này?

Nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng là tín hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy, kim ngạch thương mại giữa hai nước được dự báo có bước tăng trưởng cao hơn nữa. Với chiều hướng tích cực đó, mục tiêu nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 70 tỷ USD vào năm 2020 sẽ đạt được. Điều này một phần nhờ vào những tác động tích cực từ Hiệp định VKFTA.

Để tiến tới mục tiêu 70 tỷ USD vào năm 2020, Hàn Quốc đã dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan; tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí. Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận hàng hóa giá rẻ, đặc biệt là nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác. Ngược lại, Hàn Quốc có thế mạnh xuất khẩu sang Việt Nam mặt hàng như sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc và thiết bị; điện thoại các loại và linh kiện.

Xin cảm ơn ông!
http://baocongthuong.com.vn/
Ý kiến bạn đọc