Rào cản thương mại
Năm APEC 2017: Tạo động lực mới cho doanh nghiệp
09/11/2016
Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 17 - 20/11 tại Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chính thức công bố chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Việc thực hiện chủ đề này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên APEC, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam.

Trên các diễn đàn APEC 2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trong thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò khởi xướng ý tưởng, động lực của sáng tạo, tăng trưởng và liên kết kinh tế. Trọng tâm của những năm tới là cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức sáng tạo của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa... Các nền kinh tế thành viên cần kiến tạo một APEC vì người dân, doanh nghiệp, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Theo thông lệ, trong các tuần lễ cấp cao APEC, bên cạnh cuộc gặp của các nguyên thủ - các nhà lãnh đạo chính trị, thì một sự kiện cũng rất quan trọng là cuộc gặp của các tổng giám đốc, lãnh đạo giới kinh doanh APEC. Theo các chuyên gia, sự kiện Năm APEC 2017 tại Việt Nam, nhất là Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng sẽ là sự kiện quảng bá có tầm quan trọng bậc nhất với doanh nghiệp Việt Nam, bởi APEC đang đóng góp 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu; 12 trong số 21 nền kinh tế APEC cũng tham gia TPP. “APEC là cơ hội để thúc đẩy thương mại, đầu tư. Làm sao để tận dụng được với giá trị gia tăng lớn nhất là trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam” - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.

Từ quan điểm như vậy, VCCI đề xuất tổ chức hai sự kiện đặc biệt. Sự kiện thứ nhất là Hội nghị về Doing Business Việt Nam, lấy cảm hứng từ bản báo cáo về môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới. “Tại sao Việt Nam?” sẽ là chủ đề của sự kiện này với hàm ý tại sao Việt Nam nên được lựa chọn là nơi để đầu tư, làm ăn.

Sự kiện thứ hai là Diễn đàn Khởi nghiệp APEC sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Giải thích về sáng kiến tổ chức hội nghị này, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam đang bước vào giai đoạn đổi mới mạnh mẽ với Chính phủ nhiệm kỳ mới, một chương trình cải cách đầy tham vọng đã được phát động; tinh thần đầu tư kinh doanh đã được khơi dậy. Đây là thời điểm thích hợp để mời bạn bè quốc tế đến làm ăn tại Việt Nam, tận dụng cơ hội đang rộng mở với một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ, hành động.

Những sáng kiến của VCCI cũng là cụ thể hóa phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hội nghị Cấp cao APEC vừa qua. Theo đó, các nền kinh tế APEC cần kiên trì tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kỷ nguyên số. Các doanh nghiệp APEC cũng cần chung sức cùng các chính phủ nỗ lực tìm kiếm các động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam sẽ là nước chủ nhà luân phiên của APEC 2017. Trong đó, Đà Nẵng được Chính phủ đồng ý chọn là nơi đăng cai “Tuần lễ cấp cao APEC 2017” với sự kiện quan trọng nhất là “Hội nghị lãnh đạo APEC” - nơi người đứng đầu Chính phủ của 21 nền kinh tế thành viên APEC gặp nhau mỗi năm một lần tại kỳ họp thượng đỉnh.
Nguồn : http://baocongthuong.com.vn/
Ý kiến bạn đọc