Rào cản thương mại
Cộng đồng kinh tế ASEAN cần vượt qua nhiều thách thức
02/10/2015
 Cùng với đại diện Việt Nam, phiên thảo luận về các nước Đông Nam Á, tập trung vào việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đêm 23/1 (theo giờ Hà Nội) có sự tham gia của 3 đại diện khác trong khu vực, gồm Thủ tướng Campuchia - Hun Sen, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Malaysia - Abdul Wahid Omar và Phó thủ tướng Thái Lan - Pridiyathorn Devakula.
 
Cựu Phó thủ tướng Đức - Philipp Rösler cũng xuất hiện trong vai trò mở màn. Ông cho biết mình sinh ra tại Việt Nam, nhưng lớn lên ở Đức. Bên cạnh đó, vì là thành viên ban điều hành WEF, ông cũng rất quan tâm đến việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và hiểu rằng đây là sự kiện quan trọng trong khu vực.
 
Chủ đề của cuộc họp là bằng cách nào các nước ASEAN có thể tận dụng lợi ích từ việc tăng cường thống nhất trong khu vực, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mới. Ông Hun Sen nhận định ASEAN sẽ có lợi từ sự tăng trưởng của các thị trường toàn cầu và những chính sách thúc đẩy thương mại tự do. Tuy nhiên, các nước trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bẫy thu nhập trung bình hay khoảng cách giàu nghèo gia tăng.
 
Trong khi đó, Phó thủ tướng Thái Lan cho rằng AEC sẽ giúp gỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước trong khu vực. 20 năm gần đây, việc gỡ bỏ các rào cản thuế quan đã được thực hiện khá đều đặn. Dự kiến cuối năm nay, quá trình hình thành AEC sẽ hoàn tất.
 
Ông cũng nhận định các nước công nghiệp hóa sẽ có lợi khi hợp tác với các nước mới nổi, khi dòng vốn tư nhân luân chuyển giữa các quốc gia. Ngoài ra, ông cho rằng các hiệp định thương mại tự do (FTA) nên được ký giữa khối ASEAN và các đối tác thương mại lớn, thay vì chỉ là song phương. Khi đó, các nước trong khu vực sẽ có vị thế đàm phán tốt hơn.
 
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thì nhận xét Đông Nam Á sẽ phải giải quyết nhiều thách thức khi thành lập AEC, như tăng trưởng không đồng đều, hay ASEAN cần đóng vai trò trung tâm trong cơ chế hợp tác với các đối tác phát triển. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh mỗi quốc gia cần tăng tốc cải tổ kinh tế và để thành công, các nước cần tin tưởng lẫn nhau để cùng giải quyết vấn đề chung.
 
Trong khi đó, đại diện Malaysia cho rằng với 3 múi giờ ở các nước trong khối, các doanh nghiệp trong AEC có thể gặp phải một số thách thức do chênh lệch thời gian. Bộ trưởng Abdul Wahid Omar do đó đề xuất ý tưởng về việc sử dụng một múi giờ chung cho các nước, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của toàn khối.
http://kinhdoanh.vnexpress.net/
Ý kiến bạn đọc