Rào cản thương mại
Những quy định vô lý đang “bào mòn” doanh nghiệp xuất khẩu gạo
08/06/2016

Những quy định khắt khe, không phù hợp với thực tế khiến môi trường kinh doanh lúa gạo trở nên khắc nghiệt, kìm hãm sự phát triển của một số DNNVV trong ngành, đặc biệt là các DN XK những sản phẩm gạo chất lượng cao nhưng sản lượng nhỏ.

Thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành lúa gạo. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng chính sách có hiệu quả, còn một số điểm chưa phù hợp, bất cập trong các quy định thuộc các chính sách về đất đai, hạn điền, hạ tầng giao thông, thủy lợi. Một trong những chính sách bị DN phàn nàn nhiều, gây bức xúc nhiều nhất cho DN hiện nay là Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh XK gạo.

Áp đặt luật chơi vô lý

Theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mặc dù khi ban hành Nghị định 109, Chính phủ kỳ vọng vào việc uốn nắn XK gạo Việt Nam được ổn định, tránh tình trạng tranh mua tranh bán, nâng cao độ đồng đều của chất lượng hạt gạo Việt Nam. Tiếp đó, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Tuy nhiên, trên thực tế, một số quy định còn bất cập, khiến một số DN tham gia XK gạo phản đối.

Đặc biệt, Nghị định tác động đến các DNVVN, trong đó một số DN XK các loại gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ, gạo an toàn, gạo thảo dược, gạo có giá trị dinh dưỡng cao… nhưng đa phần những DN này hoạt động sản xuất với quy mô rất nhỏ, không đáp ứng đủ yêu cầu về cơ sở hạ tầng, kho bãi nên không được cấp phép XK gạo. Muốn XK, các DN này buộc phải thông qua một đơn vị trung gian khác được cấp phép XK và phải trả phí cho đơn vị ủy thác.

Thực tế này được bà Nguyễn Phương Dung - Giám đốc công ty Thành Phương, chia sẻ: DN của bà hiện đang tập trung đầu tư trồng lúa sạch để XK với quy mô 150.00 tấn/năm. Bà Dung cho biết vừa làm việc với bạn hàng Mỹ, để xin được giấy phép XK gạo, DN của bà đã phải trả chi phí 1 USD/tấn, đó là chưa kể các chi phí “lót tay” khác.

Tương tự, DN tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) cũng chật vật với Nghị định 109, vì dù có nhà máy chế biến gạo, nhưng không được cấp phép XK gạo, do không đáp ứng được quy định của Nghị định này là phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, có ít nhất một cơ sở xay xát thóc gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ… do đó không được cấp phép XN gạo, dù hạt gạo cho chính nhà máy chế biến đóng gói. DN buộc phải ủy thác XK qua một DN khác.

Tuy nhiên, chính điều này khiến họ mất niềm tin với khách hàng Singapore, bị đối tác từ chối vì nghĩ rằng Cỏ May chỉ là “cò” lúa gạo, không đáng tin cậy. Cuối cùng, DN phải tìm cách lập một công ty Cỏ May Singapore tại nước sở tại để nhập gạo từ chính mình làm ra qua đối tác được ủy thác XK. Việc đi vòng này khiến DN tốn khá nhiều chi phí.

Cần tạo “sân chơi” bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Cần tạo sân chơi bình đẳng

Phân tích những bất cập trong Nghị định 109, ông Đặng Quang Vinh - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho hay: Tư duy quản lý thể hiện qua nghị định này đang có vấn đề, mang tính lạc hậu, cơ học, thiên về số lượng, không đưa ra lý giải tại sao lại phải có nhà kho tới 5.000 tấn, có nhà máy xay xát công suất 10 tấn/giờ mà chỉ nêu ra yêu cầu chung. Điều này đang là rào cản, gây khó cho nhiều DN XK gạo, khiến nhiều DN phải đóng cửa, hoặc tìm cách sáp nhập với nhau trở thành nhà thầu phụ, gom hàng, bán lại cho các DN khác.

Bên cạnh đó, một vấn đề mà nhiều DN bức xúc, đó là sự bất bình đẳng trong quy định của nghị định, tạo quyền ưu tiên cho DNNN quá lớn, áp đặt luật chơi vô lý.

Theo ông Đặng Quang Vinh, quy định DN XK gạo phải nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng XK tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là vô lý. Suy cho cùng, VFA cũng chỉ là tổ chức do hai DNNN là Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thay nhau lãnh đạo. Vô hình trung, khi DN XK cung cấp thông tin về hợp đồng cho VFA cũng chính là cung cấp thông tin cho đối thủ cạnh tranh của mình. DNNN ở đây có thẩm quyền như cơ quan nhà nước, có quyền từ chối đăng ký hợp đồng XK gạo đối với các DN XK gạo khác. Đây là điều không bình đẳng.

“Rõ ràng, nhiều quy định trong Nghị định 109 không có tác động tích cực làm tăng thu nhập cho người nông dân, tăng giá XK hay tăng chất lượng gạo. Cùng với đó, nghị định chỉ tăng quyền lực cho các DN XK lớn, tạo thêm sức ép cho nông dân, tạo rào cản rất lớn cho DN nhỏ”, ông Vinh khẳng định.

Bà Nguyễn Phương Dung đề nghị Bộ NN&PTNT phải có kiến nghị với Chính Phủ sửa đổi Nghị định 109 để tạo sân chơi bình đẳng cho các DN trong kinh doanh, không quá lệ thuộc vào DNNN. Muốn sửa đổi chính sách cho hợp lý, sát với thực tiễn, cần phải họp bàn với các DN lúa gạo, đặc biệt là các DN quy mô vừa và nhỏ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng Chiến lược XK gạo của Việt Nam và đánh giá việc thực hiện Nghị định 109, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6 này.

Để thúc đẩy cạnh tranh, loại bỏ rào cản gia nhập thị trường, ông Vinh kiến nghị cần bỏ hết các điều kiện trong Nghị định 109. Ông Vinh cho rằng: “Cạnh tranh sẽ khiến các DN tự tìm cách giảm thiểu rủi ro, tự lo tạm trữ mà không cần Nhà nước hỗ trợ. Cạnh tranh cũng khiến giá cả ổn định, không cần Nhà nước phải hỗ trợ người nông dân. Bên cạnh đó cần loại bỏ các thẩm quyền Nhà nước hiện đang trao cho VFA, đưa VFA trở về đúng vị trí của một hiệp hội DN. Nhà nước cần bỏ hợp đồng tập trung. Nói cách khác, Nhà nước không nên đi buôn, chỉ nên hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin và dự báo”.

Ý kiến bạn đọc