Rào cản thương mại
Thủy sản Việt Nam lại bị cảnh báo ở châu Âu
26/04/2016
Sau Mỹ, Nhật, Ả-Rập Xê Út, đến lượt EU lại đưa ra cảnh báo với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này do phẩm chất sản phẩm không đạt yêu cầu vì sử dụng chất cấm trong quá trình chế biến.

Cụ thể, theo thông tin từ Cục quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm thuộc Ủy ban châu Âu (EC) vừa lên tiếng cảnh báo một số lô hàng thủy sản của 4 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào EU không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo Nafiqad, bốn doanh nghiệp bị EU cảnh báo gồm: 1/ Xí nghiệp thực phẩm Mekong Delta thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ bị Đức cảnh báo sản phẩm cá tra đông lạnh do chất lượng cảm quan sản phẩm không đạt yêu cầu (có mùi amoniac trong sản phẩm) và có chất Sodium carbonates (E 500) không được phép sử dụng; 2/ Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam bị Tây Ban Nha cảnh báo chất Sodium Erythorbate (E 316) không được phép sử dụng với sản phẩm bị cảnh báo là cá tra đông lạnh; 3/ Công ty cổ phần Foodtech bị Đức cảnh báo sản phẩm cá ngừ đóng hộp đối với chất histamine; 4/ Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty cổ phần Khang Thông thì bị Hà Lan cảnh báo sản phẩm cá cờ kiếm đối với chất thủy ngân.

Nafiqad đã yêu cầu các đơn vị sản xuất có lô hàng bị cảnh báo cần rà soát toàn bộ hồ sơ kiểm soát nguyên liệu, quản lý sản xuất và thực hiện các chương trình quản lý chất lượng để xác định nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, Nafiqad cũng yêu cầu các đơn vị bị cảnh báo khắc phục nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Đối với với hai đơn vị bị cảnh báo sử dụng phụ gia không được phép (E 500 và E 316), cần cập nhật và tuân thủ các quy định mới của EU về hóa chất phụ gia được phép/không được phép sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường này.

Ngoài ra, Nafiqad cũng yêu cầu các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng xuất khẩu nhằm đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước đó thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng bị thị trường Mỹ, Nhật và Ả-Rập Xê Út cảnh báo, thậm chí tạm ngưng nhập khẩu do nhiễm vi sinh, kháng sinh cấm.

Lượng thủy sản nhiễm vi sinh, kháng sinh cấm trong quí 1-2016 đã giảm hơn so với quí 4-2015. Nhưng trong quí 1-2016 vẫn có 31 lô hàng cá tra và tôm bị thị trường nhập khẩu cảnh báo, trong đó có phân nửa cảnh báo về kháng sinh; phân nửa cảnh báo về vi sinh và một số chỉ tiêu khác.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Ý kiến bạn đọc