Rào cản thương mại
Xuất khẩu sang EU và những rào cản
24/06/2013

Muốn đứng vững ở thị trường xuất khẩu, không còn cách nào khác là nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, phá vỡ thế qui mô sản xuất nhỏ, xây dựng thương hiệu có uy tín… trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn quy định của thị trường xuất khẩu.

Hiện, rất nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta đã có mặt tại thị trường châu Âu như thực phẩm, dệt may, da giày, đỗ gỗ nội thất… Tuy nhiên, theo các chuyên gia thị trường, mặc dù thặng dư thương mại lớn, giá trị xuất khẩu của nước ta sang châu Âu tăng mạnh trong vòng 20 năm qua, nhưng các rào cản thương mại đã phần nào đang làm chững lại tốc độ này và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thực thi.

Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đang nỗ lực cùng các ban, ngành, hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và đối phó với các rào cản thương mại trong khuôn khổ của tiểu Dự án “Tăng cường năng lực về chính sách thương mại cho các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam”.

Ông Hans Farnhammer, Bí thư Thứ Nhất Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp của Việt Nam cần đáp ứng mọi rào cản thương mại nếu muốn giữ vững tốc độ xuất khẩu vào thị trường này, như về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm SPS, đóng gói, duy trì ổn định chất lượng sản phẩm; rồi chỉ thị REACH quy định hoá chất không được sử dụng trong sản phẩm thực phẩm, hàng dệt may có khả năng gây ung thư; tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn châu Âu của các loại đồ chơi đảm bảo sức khoẻ cho trẻ em. Đặc biệt đối với sản phẩm gỗ cần có chứng nhận FLEGT đảm bảo dư lượng hoá chất trong việc bảo quản gỗ…

Thực tế, từ năm 2005-2008, có khoảng 13 vụ việc của doanh nghiệp Việt Nam không tuân thủ những thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn cơ bản khi xuất khẩu vào thị trường EU như đồ gỗ nội thất, xe máy, thiết bị dùng ga, hàng may mặc, đồ chơi…

Theo ông Hans Farnhammer: “Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào EU nên lưu ý, hiện các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu ngày càng nâng cao, rào cản xuất hiện này càng nhiều. Các bạn cần có hệ thống cảnh báo nhanh của EU đối với sản phẩm phi nông nghiệp. Nếu doanh nghiệp thiếu kiến thức về các rào cản thương mại thì sức mạnh sẽ thuộc về các nhà nhập khẩu, đồng thời làm giảm sự cạnh tranh của hàng hoá tại các thị trường xuất khẩu. Như vậy, các bạn sẽ không tiếp cận được với những thị trường mới ở châu Âu”.

Ông Trần Hữu Huỳnh Trưởng Ban Pháp Chế- VCCI, kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, trong năm nay, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các rào cản thương mại trong thị trường EU. Bên cạnh đó là cơ hội và thách thức trong việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ở Hoa Kỳ và EU, hai thị trường xuất khẩu trọng điểm, trong khi những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp  trước đây đối với cá, tôm, túi nhựa, giày dép, xe đạp, đèn compact… chưa có dấu hiệu kết thúc đã xuất hiện nhiều cảnh báo về nguy cơ có liên quan đến mặt hàng thuỷ sản, đồ gỗ…

Để đối phó với tình hình này, rất cần sự vào cuộc của nhiều ban, ngành trong nước. Ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng: “Nhà nước nên có hệ thống cảnh báo sớm để giúp doanh nghiệp, Hiệp hội có hàng xuất khẩu chủ động tiếp cận thông tin thị trường. Bên cạnh đó cần nâng tầm vận động hành lang đối với những thị trường có khả năng bị kiện chống bán phá giá, như vậy sẽ có hiệu quả hơn”.

Theo ông Phan Thế Ruệ - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại, để tăng năng lực xuất khẩu cũng như đối phó với những rào cản thương mại thì cần thay đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Làm sao thay đổi được cách làm công nghiệp gia công, xuất khẩu gia công vì càng xuất khẩu nhiều thì càng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, do vậy, ngành công nghiệp phụ trợ cần phát triển. Muốn đứng vững ở thị trường xuất khẩu, không còn cách nào khác là nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, phá vỡ thế qui mô sản xuất nhỏ, mặt hàng có giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu có uy tín… trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn quy định của thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ thành phố HCM cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã tư vấn cho doanh nghiệp thành viên gặp gỡ và khảo sát thị trường nước ngoài cũng như những thông tin về rào cản kỹ thuật. Nhất là cập nhật thông tin kịp thời từ Eurocham để cung cấp cho doanh nghiệp sớm nhất”.

Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam cũng thông báo Trung tâm thông tin thương mại Châu Âu sẽ được chính thức khai trương vào cuối tháng này tại Hồ Chí Minh, để đáp ứng nhu cầu về thông tin cho các doanh nghiệp tại Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Trung tâm sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn thông tin và các trợ giúp về các vấn đề thương mại liên quan đến Châu Âu.

Tại đây, nguồn thông tin liên quan đến các quy định rào cản thương mại sẽ được cung cấp miễn phí về các Luật châu Âu thể hiện bằng 23 ngôn ngữ chính thức của Uỷ ban châu Âu, để các doanh nghiệp tham khảo và ứng phó kịp thời với những quy định của thế giới./.

Ý kiến bạn đọc