Thị trường xuất nhập khẩu
Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản nhật bản là thị trường xuất khẩu hàng đầu
08/08/2013

Nhật Bản hiện đang là đối tác xuất nhập khẩu lớn thứ hai của nước ta, sau Trung Quốc. 10 năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần giai đoạn trước. Mặc dù có những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, nhưng việc tiếp cận với thị trường Nhật là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thị trường đa dạng

Với các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc... Việt Nam nhập siêu khá lớn thì với Nhật Bản, cán cân thương mại giữa hai nước khá cân bằng. Năm 2012, kim ngạch thương mại Việt - Nhật đạt 25 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 13 tỷ USD và nhập khẩu 12 tỷ USD. Dự kiến, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản năm 2013 đạt 29 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2012.

Hiện nay, hàng Việt Nam xuất sang Nhật chủ yếu là thủy sản, thực phẩm, dệt may, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ... Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có 25 doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Nhật, chủ yếu là các mặt hàng hải sản. Đã có nhiều doanh nghiệp khẳng định được thương hiệu, uy tín tại thị trường Nhật như: Công ty TNHH Tứ Hải, Công ty Basefood, Công ty CP Hải Việt.. (TP. Vũng Tàu). Các công ty sản xuất các mặt hàng khác như: cao su, may mặc, thủy tinh, gạch men, đinh, ốc vít.., dù sản lượng xuất khẩu sang Nhật không nhiều nhưng cũng ổn định. Bà Trần Thị Như Huyền, kế toán Công ty Khải Tường (huyện Châu Đức) cho biết: Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng quà lưu niệm thủy tinh xuất khẩu sang Nhật. Đến nay, sau gần 10 năm xuất khẩu hàng qua Nhật, Khải Tường đã có 3 khách hàng ở thị trường này, trong đó có 2 khách hàng thường xuyên và ổn định. Theo đánh giá của bà Huyền, tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật rất lớn, tuy nhiên do hạn chế về nguồn lao động nên Khải Tường đã phải từ chối một số đơn hàng. Hiện tại, Khải Tường đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 20-30 lao động. Nếu việc tuyển dụng đáp ứng được nhu cầu, Khải Tường sẽ tiếp tục khai thác, mở rộng thêm thị trường ở Nhật Bản.

Theo đánh giá của cơ quan xúc tiến thương mại trong nước, ngoài những mặt hàng có thế mạnh của tỉnh là hải sản, trong thời gian tới, Bà Rịa- Vũng Tàu nên tập trung vào một số nhóm hàng khác như: Thực phẩm chế biến sẵn, hoa quả tươi, hàng cơ khí gia dụng, và thậm chí là cả sản phẩm của ngành công nghiệp đóng tàu.

Chỉ "khó tính" khi hàng hóa kém chất lượng

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Nhật trong tỉnh cho hay, trong một lần xuất khẩu sang Nhật, chỉ vì sai sót một chút về mẫu mã mà công ty này bị trả lại lô hàng. Theo vị đại diện doanh nghiệp này, một nguyên tắc làm ăn với Nhật, đó là hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, đúng theo yêu cầu và giao hàng đúng hẹn. Còn theo kinh nghiệm hơn 20 năm xuất hàng sang Nhật của một doanh nghiệp trong ngành hải sản, để xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài với đối tác Nhật Bản trước hết doanh nghiệp phải làm ăn chân chính, coi trọng chữ tín. Đặc biệt, với mặt hàng hải sản, quy trình chế biến phải nghiêm ngặt ngay từ đầu vào đến các khâu sản xuất, bảo quản tại nhà máy. Bên cạnh đó, cần liên tục thay đổi khẩu vị, mẫu mã theo thị hiếu của người tiêu dùng. Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, mặc dù Nhật Bản là thị trường khó tính nhưng khi đã hợp tác làm ăn thì có độ tin cậy cao.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, Nhật Bản là một thị trường lớn, đầy tiềm năng nhưng rất khó tiếp cận. Trong kinh doanh người Nhật lấy chữ tín làm đầu, chỉ "khó tính" khi hàng hóa kém chất lượng. Nền công nghiệp của Nhật Bản luôn luôn có sự cải tiến, đổi mới về kỹ thuật. Người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu khắt khe về chất lượng, độ bền, độ tin cậy, sự tiện dụng của sản phẩm... và sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm có chất lượng tốt, đồng thời cũng chú ý tới các dịch vụ hậu mãi, phương thức phân phối của các nhà sản xuất. Ví dụ như khi một sản phẩm bị trục trặc, thì nhà sản xuất phải có khả năng và thời gian sửa chữa một cách nhanh chóng... Mẫu mã hàng hóa cũng là vấn đề cần quan tâm đối với các doanh nghiệp muốn xuất hàng vào Nhật. Người Nhật đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi theo mùa, kể cả quần áo, đồ dùng gia đình, thực phẩm...

Với những tiềm năng đó, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng có quyền mong đợi vào sự phát triển mới trong tương lai. Tuy thế, để đến được với thị trường khó tính này, doanh nghiệp phải năng động và nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu của mình để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nói trên. Đây là một điều không dễ dàng nhưng lại chính là con đường duy nhất để tiếp cận thị trường thế giới, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.

Ý kiến bạn đọc