Thị trường xuất nhập khẩu
Nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Pháp
01/08/2013
 

Pháp là một thị trường màu mỡ và là cửa ngõ cho sản phẩm của Việt Nam sang các nước khác trong khu vực liên minh EU, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã và đang tập trung thâm nhập vào thị trường giàu tiềm năng này.

Năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế nước Pháp gặp khó khăn, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Pháp vẫn tăng trưởng khá. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp đạt hơn 3,75 tỷ USD. Trong 3 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam – Pháp đều có sự tăng trưởng. Cụ thể, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp đạt 502,15 triệu USD, tăng 18,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng tháng 3 kim ngạch xuất khẩu đạt 151,58 triệu USD, tăng 23,24% so với tháng trước đó. Ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu từ Pháp 319,9 triệu USD, tăng 49,65% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối đa dạng với những mặt hàng: giày dép, dệt may, đồ gia dụng, hàng nông – lâm – thủy sản, đồ điện, điện tử, cao su, than đá, hàng mây tre đan... Một trong các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp phải kể đến là điện thoại di động và linh kiện điện tử. Dự báo trong những năm tới, hai mặt hàng này sẽ trở thành mặt hàng có kim ngạch cao nhất ở Pháp, do nhu cầu của người tiêu dùng Pháp đối với các loại điện thoại di động Samsung sản xuất tại Việt Nam ngày càng tăng. Ở chiều Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Pháp những mặt hàng chính như: dược phẩm, hóa phẩm, mỹ phẩm và nước hoa, rượu vang, sản phẩm thời trang cao cấp, sản phẩm điện tử, tin học và quang học...

Hiện nay Việt Nam tham gia đàm phán với EU về Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm từng bước giảm thuế nhập khẩu ở hai phía cho một số sản phẩm. Theo nhận định của bà Nicole Bricq - Bộ trưởng Ngoại thương Pháp, FTA Việt Nam - EU ký kết sẽ có lợi cho cả hai bên. Hiệp định này sẽ là một trong những công cụ có thể giúp cho doanh nghiệp hai phía có thêm thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường của nhau; khi đó Pháp có thể xuất khẩu hàng sang Việt Nam cũng như nhập khẩu hàng từ Việt Nam dễ dàng hơn.

Cũng theo Bộ trưởng Nicole Bricq, Việt Nam là một trong những quốc gia được Pháp ưu tiên chính sách thúc đẩy thương mại trong thời gian tới. Theo đó Pháp sẽ đầu tư nhiều hơn để tiếp cận thị trường Việt Nam, đặc biệt là các ngành sản xuất và phát triển các sản phẩm xuất khẩu sang nước khác. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp có thể mang đến những giải pháp đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Nguyễn Cảnh Cường-Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết Pháp nhập khẩu nhiều nguyên liệu công nghiệp (dầu mỏ, khí đốt, than, kim loại,...) và hàng tiêu dùng (dệt may, giày dép, thủy sản, thịt gia súc, cà phê, hồ tiêu, rau quả, đồ gỗ, đồ gia dụng,.... Đây đều là những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp tăng liên tục chủ yếu nhờ cơ cấu hàng hóa có tỷ trọng hàng tiêu dùng thiết yếu cao, với giá cả hợp lý, chất lượng đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng Pháp.

Để tạo bước đột phá trong phát triển quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước Việt – Pháp, ông Cường khuyến nghị cần tăng cường quảng bá giới thiệu tiềm năng, khả năng cung cấp hàng hóa chất lượng cao của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đến các doanh nghiệp Pháp để các doanh nghiệp này có thể xây dựng kế hoạch nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và tiếp cận với các đối tác của Việt Nam. Đồng thời, cũng nên khuyến khích các giao dịch trực tiếp và hoạt động xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp hai nước với sự hỗ trợ của thương vụ Việt Nam tại Pháp. Đây cũng là một kênh góp phần phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của Pháp đối với Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc