Thị trường xuất nhập khẩu
Nhiều dấu hiệu khởi sắc từ thị trường xuất khẩu tôm
27/07/2013

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt trên 863,5 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số thị trường nhập khẩu tôm chính đã có dấu hiệu phục hồi.

Tại thị trường Nhật Bản, giá trị xuất khẩu (XK) tôm trong 5 tháng đầu năm 2013 đạt 233,2 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này dù còn khá khiêm tốn nhưng đã mở ra những tín hiệu lạc quan cho XK tôm sang thị trường Nhật Bản sau hơn một năm "vất vả" do ảnh hưởng của quyết định kiểm tra dư lượng Ethoxyquin. Trong thời gian tới, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản cũng sẽ thuận lợi hơn khi Nhật Bản vừa quyết định nâng mức kiểm soát dư lượng Trifluralin trong tôm nhập khẩu (NK) từ Việt Nam từ mức 0,001 ppm lên 0,5 ppm.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ 5 tháng đầu năm 2013 tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 194,6 triệu USD nhờ tăng trưởng mạnh trong tháng 4 và tháng 5 với mức tăng lần lượt 27,3% và 58,2%. Sự tăng trưởng ấn tượng này của Xk tôm Việt Nam là do Thái Lan - nước cung cấp lớn nhất tôm sang Mỹ XK giảm tới 23,5%. Tuy nhiên, XK tôm sang Mỹ năm 2013 được dự báo có nhiều khó khăn do ngành tôm Việt Nam và 6 nước khác bị cho là có nhận sự trợ cấp từ chính phủ.

Nhu cầu NK vào thị trường EU giảm mạnh trong năm 2012 và tiếp tục giảm trong năm 2013 nên EU đã nhường vị trí thứ 3 về NK tôm Việt Nam cho Trung Quốc do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Tháng 5/2013, XK tôm Việt Nam sang EU tăng 13,3% so với tháng 5/2012, nhờ đó XK tôm sang thị trường này 5 tháng đầu năm nay chỉ giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. NK tôm tăng trong tháng 5 có thể là một dấu hiệu tốt cho XK tôm Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm 2013, XK tôm sang Trung Quốc đạt 108,5 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2013, Trung Quốc được đánh giá là một trong những "đầu ra" quan trọng cho tôm Việt Nam do các thị trường tiêu thụ tôm lớn như Mỹ, Nhật Bản hay EU gặp khó khăn. Nguyên nhân là do ngành tôm nước này cũng gặp phải dịch bệnh khiến sản lượng tôm nuôi trong nước giảm nên phải tăng NK để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như nguồn nguyên liệu cho chế biến.

Ý kiến bạn đọc