Thị trường xuất nhập khẩu
TP HCM: tìm hướng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao
20/07/2013

Sau nhiều thời gian tốn công gây dựng chuỗi sản phẩm công nghệ cao, đến nay TP HCM đang có những bước tiến mới trong việc xuất khẩu các sản phẩm này ra thị trường thế giới.

Thống kê của Sở công thương TP HCM cho thấy trong một năm trở lại đây, các sản phẩm công nghệ cao (CNC) xuất khẩu của thành phố đã thu về được trên 1 tỉ USD. Đây là kết quả đáng mừng cho thành công bước đầu của công nghiệp mới của thành phố. Bởi chỉ mới cách đây vài năm những sản phẩm công nghệ cao đầu tiên của TP HCM mới chân ướt chân ráo có mặt trên thị trường thế giới.

Tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của TP HCM năm 2012 đạt trên 1 tỉ USD

Trong năm 2012, kim ngạnh xuất khẩu của nhóm sản phẩm CNC của TP HCM đã đạt 2,46 tỉ USD tăng 3 lần so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng 11,4% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Thị trường xuất khẩu sản phẩm CNC chủ yếu ở khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ.

Chỉ riêng tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, tính đến hết tháng 5/2013, đơn vị này đã thu hút được 71 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 2,24 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 1,8 tỉ USD. Hiện các doanh nghiệp này đã xuất khẩu 1,07 tỉ USD từ các sản phẩm. Nộp ngân sách bình quân trên 300 tỉ đồng và giải quyết việc làm cho gần 17.000 lao động.

Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, mục tiêu của Khu CNC TP HCM là tiến tới đạt kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 đạt gấp 6 lần so với năm 2010 và chiếm 10 - 15% giá trị xuất khẩu toàn thành phố. Theo bà Loan, để đạt mục tiêu này, ngoài những nền tảng có được trong thời gian qua, thì TP HCM cần có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này như giảm thuế, hỗ trợ vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực... đây sẽ là động lực tốt để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNC phát triển.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Bích Ngọc, Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu - Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, đây là lúc cần phải cơ cấu lại sản phẩm, chọn những thế mạnh sẵn có để ưu tiên phát triển. Trên cơ sở đó, chính sách thuế cũng ưu tiên phát triển các sản phẩm, lĩnh vực ưu tiên để tránh việc ưu đãi tràn lan, không hiệu quả. Việc tập trung phát triển một số chủng loại công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng sản phẩm CNC và mang thương hiệu Việt sẽ là một giải pháp cho chính sách ưu đãi về thuế có hiệu quả hơn.

Mặt khác, các địa phương cũng cần xây dựng và thực thi chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực giỏi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đặc biệt là giải quyết thủ tục thông thoáng để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuê chuyên gia giỏi nước ngoài về đảm nhận những vị trí quan trọng như kiến trúc sư trưởng về sản phẩm dịch vụ, chuyên gia về thị trường, xúc tiến quảng bá thương hiệu quốc gia, tập trung vào giới thiệu tiềm năng thương hiệu.

Ý kiến bạn đọc