Thị trường xuất nhập khẩu
Châu Phi – “miền đất hứa”
06/07/2013

NDĐT - Nhu cầu nhiều, sức tiêu thụ hàng hóa lớn, không đòi hỏi chất lượng sản phẩm quá cao, châu Phi đang được coi là “miền đất hứa” cho xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong tình hình các thị trường xuất khẩu lớn của ta đang gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian vừa qua, có thể thấy rõ sự nổi lên của một số nước châu Phi với mức tăng trưởng GDP tương đối nhanh, bình quân khoảng 5%/năm. Một số nước đang vươn lên với tiềm lực kinh tế lớn, nguồn dự trữ ngoại tệ cao nhờ vào sản xuất dầu mỏ, khí đốt và các khoáng sản có giá trị. Các nước châu Phi hiện cũng đang đứng đầu thế giới về tốc độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong hai năm gần đây.

Cùng với sự tăng trưởng GDP nhanh chóng, châu Phi cũng là thị trường tiêu thụ lớn của các loại hàng hóa giá rẻ và không đòi hỏi chất lượng quá cao... Thời gian gần đây, xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Phi đang có mức tăng trưởng đáng kể. Một số mặt hàng từ Việt Nam mà châu Phi có nhu cầu lớn như hàng điện tử, linh kiện, gạo, thủy sản, xe máy, cà phê… Đơn cử như thủy sản, trong năm năm trở lại đây, thủy sản luôn là một trong năm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại thị trường này. Năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu nhóm hàng này sang 25 nước châu Phi với kim ngạch đạt gần 150 triệu USD, tăng 38% so với năm 2011. Trong quý I năm nay, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản sang châu Phi đạt 30,3 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoặc mặt hàng gạo thời gian gần đây tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu số một của nước ta tại khu vực này, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi và chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới. Năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu mặt hàng gạo sang 30 trên tổng số 55 nước châu Phi với tổng kim ngạch đạt 763,3 triệu USD, tăng 2% so với năm 2011.

Tuy nhiên, do nhiều hợp đồng giao dịch của doanh nghiệp Việt Nam thường phải qua trung gian là nước thứ ba, nên khi giao dịch với thị trường châu Phi có thể dẫn đến những rủi ro ngoài ý muốn. Do đó, Đại sứ quán Việt Nam tại châu Phi cũng khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam nên cẩn trọng với những lời đề nghị mua hàng với giá trị hợp đồng lớn, điều kiện giao dịch đơn giản...

Đối với thị trường này, ông Lê Thái Hòa khuyến nghị, các DN nên có sự chuẩn bị kỹ về mẫu mã hàng và tập trung vào những sản phẩm chất lượng vừa phải, dễ sử dụng, giá bình dân đồng thời lưu ý đến phương thức thanh toán, tránh rủi ro khi giao dịch với khách hàng lạ hoặc thanh toán quan ngân hàng mới... Bộ Công Thương cho biết thêm, Việt Nam hiện đã có quan hệ xuất, nhập khẩu với 55 nước châu Phi, trong đó Nam Phi, Senegal, Ai Cập, Côte d’Ivoire, Angola, Ghana, Tanzania là những thị trường chủ chốt. Việt Nam cũng đã mở chín Đại sứ quán và năm cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại các nước châu Phi. Đây là địa chỉ cho các DN Việt Nam tìm kiếm thông tin về thị trường, bạn hàng cũng như tìm giải pháp chuẩn bị cho những rào cản thương mại có thể gặp phải khi xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia châu Phi.

Ý kiến bạn đọc