Thị trường xuất nhập khẩu
Dệt may ASEAN, dư âm còn đọng lại
07/07/2013

NDĐT- Dưới lung linh ánh đèn sân khấu, tiếng cồng chiêng, lời lẩu then quyện hoà cùng tiếng thoi đưa giữa đất trời Việt Bắc trong khuôn khổ Hội thảo trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ IV tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên) từ 15 đến 18-3.

Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam cho biết: Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 4, với chủ đề "Truyền thống, đổi mới, kết nối: Mở ra bước sáng tạo trong nghề dệt truyền thống Đông Nam Á", chương trình thu hút sự tham gia của hơn 200 khách quốc tế đến từ Quỹ ASEAN; cộng đồng nghệ thuật dệt truyền thống ASEAN và các nước đối thoại.

Về phía Việt Nam, ngoài Hiệp hội dệt may quốc gia còn có đại diện làng nghề dệt, thêu truyền thống của các dân tộc Kinh, Tày, Thái, Mông, Dao, Mường, Pà Thẻn, Ê Đê, Mơ Nông, Khơ me, Chăm…

Gần 100 nghìn lượt khách trong nước, quốc tế đã về đây, chứng kiến nghề dệt may truyền thống của làng nghề các nước ASEAN. Hơn 20 gian hàng dệt được dựng san sát, trong đó Việt Nam có hơn 10 gian, riêng tỉnh Thái Nguyên có một gian trưng bày nghề tranh thêu của Phổ Yên và một gian trưng bày lụa tơ tằm của Đại Từ.

Ông Makarim Wibisono, Giám đốc Quỹ ASEAN cho rằng: Đây là cơ hội để nghệ nhân các nước ASEAN được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về nghề dệt may truyền thống, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết ASEAN.

Còn ông Nguyễn Văn Tình, Cục Trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Thông qua hoạt động thiết thực này, Việt Nam và các quốc gia tham dự sẽ đưa ra được những hướng đi và cách thức để bảo tồn nghề dệt truyền thống, đồng thời tạo ra phương hướng kinh doanh và xúc tiến, quảng bá thương hiệu các sản phẩm dệt may của Việt Nam cũng như của các nước ASEAN ra thế giới.

Từ đất nước vạn đảo Indonesia, nghệ nhân H.J Roslina Daan mang đến hội thảo những tấm thổ cẩm dệt tinh tế. Bà bảo: Batic là loại vải đẹp nhất, đắt nhất của đất nước chúng tôi, nhưng khi đến Việt Nam, chúng tôi muốn được học hỏi thêm về kỹ thuật dệt, nhuộm truyền thống để có thể cải tiến, nâng cao chất lượng vải batic. Sự khiêm tốn của người đàn bà đất nước Đạo hồi khiến mọi người có mặt càng trở nên trân trọng bởi trong quầy trưng bày toàn những loại vải đắt tiền, loại vải hiện giờ phần nhiều người của Hoàng gia, người giàu có của Indonesia mua dùng.

Đến thăm gian trưng bày của nghệ nhân dệt Malaysia, giản dị hơn nhưng đó cũng là những thước vải đẹp nền nã, những chiếc khăn quàng cổ, khăn đội đầu mềm mại được nhiều du khách ướm thử để chụp ảnh làm kỷ niệm. Chủ gian trưng bày, ông Benedictus Bangmtuan nói: “Chúng tôi mang thổ cẩm của đất nước mình đến hội thảo với mục đích giới thiệu với bạn bè Việt Nam và quốc tế về nền văn hoá mặc người Malaysia”.

Cạnh đó, bà Somphone, nghệ nhân dệt đến từ đất nước triệu voi. Là người Lào, song bà nói tiếng Việt Nam rành rẽ: “Tôi thay mặt các nghệ nhân nghề dệt của đất nước Lào mang vải thổ cẩm đến Việt Nam trưng bày. Không mong chuyện hơn thua, mà để giới thiệu với các bạn quốc tế về nghề dệt truyền thống của đất nước tôi.”

Còn nghệ nhân nghề dệt Campuchia, bà Moeun Sophean khiêm tốn: Tôi đi thăm gian trưng bày của các bạn Việt Nam, vải thổ cẩm của các bạn rất đẹp. Vải thổ cẩm của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có nét độc đáo riêng, phản ánh sắc nét về văn hoá, tập quán của dân tộc.”

Tiến sĩ Siti Norkhalbil, trưởng đoàn Brunei cho biết: Dệt may truyền thống đại diện tượng trưng cho di sản và bản sắc dân tộc Brunei, hiện trong nhiều công sở của Nhà nước được sử dụng hàng dệt truyền thống làm trang phục công sở, việc này không chỉ là biện pháp để thúc đẩy và mở rộng thị trường, mà trực tiếp giữ gìn được di sản văn hoá Brunei.”

Ở khu trưng bày dành riêng cho các làng dệt truyền thống Việt Nam, tôi thấy các nghệ nhân dân tộc Ê Đê (Đắc Lắc): H’ Rêya Bdop, H’ mluăt Kdoh và H’ Kuốt Nỉe mê mải với từng đường sợi. H’ Rêya Bdop trẻ nhất, 26 tuổi, là người biết nói tiếng phổ thông trong đoàn. Chị bảo: “Người Ê Đê miềng (mình) theo nhau về Thái Nguyên từ hôm 15-3. Miềng về để mong muốn được học hỏi thêm nghề dệt của các dân tộc khác”. Cạnh đó, nghệ nhân Lâm Nhữ Mẫn, dân tộc Chăm đến từ Ninh Thuận. Chị cho biết: “Được tham gia Hội thảo Quốc tế Nghề dệt truyền thống Đông Nam Á, tôi rất tự hào vì về đây tôi được gặp gỡ, được học hỏi thêm kinh nghiệm về nghề dệt của các dân tộc Tày, Mông, Dao...”

Tiếng cồng chiêng vang lên âm hưởng của núi rừng. Tiếng cồng chiêng gợi hồn thiêng của một miền sơn dã với tiếng thoi đưa ngàn đời dệt nên miền thổ cẩm Thái, Mường. Nghệ nhân Bùi Thị Nghị mê đắm bên dàn cồng chiêng, nghệ nhân Bùi Thị Liên mê mải với từng đường thoi, tất cả quyện hoà thành bản nhạc sống giữa đời thường. Gặp gỡ rồi chia xa thêm vấn vương, song đọng lại ở mỗi nghệ nhân nghề dệt các nước ASEAN niềm tự hào về nét đẹp truyền thống được nhân loại tôn trọng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.

Ý kiến bạn đọc