Thị trường xuất nhập khẩu
Nguy cơ mất hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài năm 2013 tại Hàn Quốc
11/09/2013

Dự kiến cuối tháng 2-2013, Hàn Quốc cấp hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài năm 2013. Để được cấp hạn ngạch, Việt Nam phải đưa gần phân nửa lao động đang bỏ trốn về nước trong 3 tháng tới…

“Nếu Việt Nam kêu gọi được 40% lao động đã hết hạn hợp đồng đang làm việc và cư trú bất hợp pháp về nước thì Hàn Quốc mới xem xét ký gia hạn bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác lao động theo chương trình cấp phép lao động EPS”. Ông Choi Byung – Gie, Tổng Giám đốc Trung tâm EPS Việt Nam - Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, đã nói như vậy tại hội nghị “Triển khai các giải pháp giảm tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước” tổ chức ngày 30-11 tại Thanh Hóa, một trong những địa phương có đông lao động bỏ trốn.

Chống trốn chưa hiệu quả

Các báo cáo tại hội nghị cho biết từ cuối năm 2010, một số lượng lớn lao động Việt Nam ở Hàn Quốc bắt đầu hết hạn hợp đồng đã không về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp. Trong 2 năm qua, tình trạng lao động bỏ trốn tiếp tục gia tăng. Hiện tại, có khoảng 62.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có 48.000 lao động hợp pháp, còn lại là cư trú và lao động bất hợp pháp.

Vì số lao động bỏ trốn quá cao nên từ tháng 4-2012, Hàn Quốc đã ngưng tuyển mới lao động Việt Nam và đến ngày 29-8 thì chính thức dừng ký gia hạn bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác lao động. Quyết định này khiến 12.000 người được tuyển chọn từ 2 kỳ kiểm tra tiếng Hàn EPS-KLT trong năm 2010 và 2011 đã có hồ sơ dự tuyển trên mạng mất cơ hội sang Hàn Quốc trong năm 2012.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa (bìa trái) động viên lao động đang làm việc ở Hàn Quốc tuân thủ hợp đồng

Theo kế hoạch, dự kiến vào cuối tháng 2-2013, Hàn Quốc sẽ công bố hạn ngạch tuyển dụng cho năm này. Nguy cơ không được phân bổ hạn ngạch đối với Việt Nam trong năm tới là rất cao nếu trong 3 tháng tới không cải thiện được tình trạng lao động bỏ trốn. “Việc giảm 40% lao động bỏ trốn trong một thời gian ngắn là rất khó khăn”- ông Choi nhận định. Theo ông, Việt Nam phải quyết liệt hơn trong ngăn ngừa lao động bỏ trốn. Biện pháp tốt nhất là thành lập các đội tư vấn thông qua gia đình, người thân thuyết phục lao động về nước”.

Tìm cách “cứu” thị trường

Bộ LĐ-TB-XH và 2 cơ quan trực thuộc là Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước đang tìm mọi cách để kéo giảm lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc. Ngay sau hội nghị nói trên, đoàn công tác của 2 cơ quan sẽ trực tiếp về các tỉnh có đông lao động bỏ trốn để tiếp tục triển khai đề án “Ngăn ngừa lao động bỏ trốn và chuyển nơi làm việc tại Hàn Quốc”.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện các giải pháp quyết liệt để giảm tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc. “Chúng tôi sẽ phối hợp với sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn. Sau đó, các địa phương sẽ triển khai các hình thức vận động các gia đình thuyết phục người thân trở về” - ông Hải nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa, năm 2012, Thanh Hóa có 400 lao động hết hạn hợp đồng ở Hàn Quốc phải về nước, trong khi 1.814 lao động đang bị gác lại hồ sơ dự tuyển. Bà Xuân đưa ra giải pháp: “Chúng tôi đã giao chỉ tiêu cho các huyện kêu gọi 60% số lao động hiện đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. Đây là một tiêu chí thi đua giao cho các huyện trong tỉnh”.

Xem xét ký quỹ chống trốn

Theo quy định, EPS là chương trình phi lợi nhuận do cơ quan nhà nước của Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện (phía Việt Nam là Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH) nên người lao động không phải tốn chi phí môi giới, phí dịch vụ; tổng chi phí phải nộp chỉ khoảng 700 USD/người. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết tới đây, Bộ LĐ-TB-XH sẽ xem xét có nên áp dụng biện pháp ký quỹ để ràng buộc hợp đồng với người lao động hay không.

Ý kiến bạn đọc