Thị trường xuất nhập khẩu
Thị trường Các-bon: Cơ hội hay thách thức?
10/09/2013

Thị trường các-bon (hay còn gọi là thị trường chuyển nhượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính) là cơ chế mềm cho phép các nước thuộc nhóm phải cắt giảm khí nhà kính lựa chọn phương án tối ưu nhất để thực hiện nghĩa vụ của mình.

Hay thị trường các-bon là cơ chế thị trường hướng tới việc cắt giảm tổng lượng khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu với chi phí thấp nhất (Báo Tài nguyên và môi trường, 10-5-2010).

Các điều kiện cho thị trường các-bon:

Trên thị trường các-bon, việc mua bán phát thải khí CO2 thông qua tín dụng các-bon. Tín dụng các bon là việc một công ty phải bỏ tiền ra mua thêm hạn mức CO2 nếu công ty gây ô nhiễm vượt qua hạn mức thải CO2 cho phép.

Các hoạt động thương mại của thị trường các bon xảy ra theo hai cách:

Trao đổi theo hạn ngạch: các công ty phải kiểm soát được định mức phát thải của mình, công ty nào cắt giảm được lượng khí phát thải có thể giao bán chỉ tiêu của mình.

Thương mại các-bon thông qua những hỗ trợ từ các dự án bồi thường.

Các loại thị trường các-bon:

Thị trường tự nguyện: Diễn ra giữa các bên hoặc các tổ chức đơn vị thông qua các dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Các sản phẩm của thị trường các-bon tự nguyện gồm: năng lượng tái tạo, năng lượng chuyển đổi hoặc hiệu quả sử dụng năng lượng, lâm nghiệp hoặc hút khí metan từ các bãi rác.

Thị trường bắt buộc: Các nước công nghiệp thuộc Phụ lục I của Nghị định thư Kyoto, đã cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính (trung bình 5,2% dưới mức năm 1990 trong thời kỳ cam kết 2008-2012) thông qua cả 3 cơ chế Kyoto (Cơ chế phát triển sạch – CDM, Cơ chế đồng thực hiện – JI và Cơ chế buôn bán phát thải quốc tế – IET) (Vfej, 14-9-2010).

Tình hình thị trường các bon hiện nay

Năm 2011, giá trị thị trường các-bon thế giới đã tăng lên hơn 176 tỉ USD với khối lượng là 10,3 tỉ tấn các-bon. Trong đó, đóng góp từ dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) và tín chỉ khác tăng 43%, đạt 1,8 tỉ tấn với giá trị hơn 23 tỉ USD.

Hơn một năm qua, giá chứng chỉ giảm phát thải (CER) giảm nên không đủ đáp ứng các chi phí cần thiết đầu tư.Tính đến 20-11-2012, giá chỉ giảm phát thải còn chưa đến 1 USD/tấn CO2. Do sau năm 2012, EU chỉ chấp nhận CER từ các nước kém phát triển và từ T4.2013, EU cấm CER từ các dự án loại bỏ khí thải công nghiệp. Do vậy, việc này đã gây khó khăn rất nhiều cho các nước đang có dạng dự án CDM trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, thị trường các bon tự nguyên đang rất tiềm năng và cơ chế thị trường mới có thể là xu hướng và công cụ mới để cắt giảm khí nhà kính. Năm 2011, giao dịch thị trường carbon tự nguyện đạt 573 triệu USD, tăng 35% so với năm 2010. Dự báo đến năm 2020,  khối lượng giao dịch của thị trường tự nguyện vào khoảng 1.638 triệu tấn CO2.

Xây dựng các dự án giảm phát thải cho thị trường carbon tự nguyện cũng là một trong những chiến lược của Việt Nam khi tham gia vào thị trường carbon sau năm 2012 (Thời Báo kinh tế Việt Nam, 21-11).

Ý kiến bạn đọc