Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) ngày 28/6 ra thông báo sẽ lưu giữ tất cả các lô hàng thủy sản nuôi của Trung Quốc để kiểm tra trước khi thông quan. Trước thông tin này, đầu tuần tới, các DN thuỷ sản Việt Nam sẽ họp bàn cách đối phó.
Theo thông báo của FDA, tất cả các lô hàng thủy sản nuôi của Trung Quốc, gồm tôm, cá catfish (kể cả basa), cá chình, cá chầy, xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị kiểm soát gắt gao. Các lô hàng sẽ bị giữ tại cửa khẩu để kiểm tra về dư lượng thuốc không được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản ở Mỹ.
Lý giải điều này, FDA cho rằng họ liên tiếp có các bằng chứng về một số sản phẩm thủy sản nuôi của Trung Quốc xuất sang Mỹ có chứa các chất bị cấm, không được có trong thủy sản bán tại Mỹ.
Ông David Acheson, Trợ lý Cao ủy phụ trách bảo vệ thực phẩm của FDA, cho biết, cơ quan kiểm soát chất lượng thực phẩm, dược phẩm của Hoa Kỳ chỉ cho phép nhập các lô hàng trên khi chúng chứng tỏ đã tuân thủ các yêu cầu và các tiêu chuẩn VSATTP của Mỹ.
Theo bản tin của trang Fis.com, Phó giám đốc Công ty International Marketing Specialists của Mỹ chuyên cung cấp tôm và các sản phẩm thủy sản, còn cáo buộc FDA đã hành động quá muộn vì 3-4 năm nay công ty đã phải đối phó với tình trạng này. Rất có thể, Trung Quốc đã làm như vậy từ nhiều năm và mới đây có thêm các mặt hàng thực phẩm khác. Việc họ đóng cửa hàng nghìn cơ sở chế biến thực phẩm càng chứng tỏ về điều này. Hiện International Marketing Specialists không còn nhập tôm của Trung Quốc nữa.
Hiệp hội Thủy sản Hoa Kỳ cho rằng việc tăng cường kiểm tra đối với nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc có ý nghĩa nhiều đối với nguồn cung cấp của Mỹ. Hiện tại, chỉ có 7% tôm và 10% cá catfish được tiêu thụ tại Mỹ là xuất xứ từ Trung Quốc.
Từ tháng 10/2006 đến tháng 5/2007, FDA liên tục phát hiện thủy sản nuôi nhập khẩu từ Trung Quốc nhiễm kháng sinh cấm như nitrofuran, malachite green, thuốc nhuộm có thể chữa bỏng và fluoroquinolone. Kết quả lấy mẫu trên các sản phẩm tôm, catfish, cá basa... cho thấy, 22/89 mẫu (chiếm 22%) bị phát hiện có chất cấm như nitrofurans trên 1 phần tỷ trong tôm; malachite green ở mức 2,1 đến 122 phần tỷ trong catfish, basa...
DN thuỷ sản Việt Nam họp khẩn cấp
David Acheson khẳng định, để được loại khỏi danh sách lưu giữ của FDA, các nhà xuất khẩu phải cung cấp mọi thông tin cho thấy họ đã thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo sản phẩm không chứa các chất bị cấm và đã thực thi các biện pháp kiểm soát mang tính ngăn ngừa. Việc tăng cường kiểm soát nhập khẩu đối với thủy sản Trung Quốc sẽ kéo dài đến khi không còn cần thiết.
FDA chỉ cho phép nhập khẩu vào Mỹ và hệ thống phân phối tiếp theo cho từng lô hàng thủy sản nuôi của Trung Quốc khi công ty có hàng cung cấp đầy đủ chứng từ xác nhận những sản phẩm này không chứa dư lượng các chất bị cấm.
Trong khi đó, Việt Nam cũng nằm trong số các nước xuất khẩu lớn các mặt hàng tôm, cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ. Trước những diễn biến mới trên thị trường thủy sản này, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông báo sẽ tổ chức cuộc họp khẩn với các DN hội viên vào thứ ba (3/7), tại TP.HCM.
Tại cuộc họp này, các DN sẽ luận về những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như vụ kiện tôm; vấn đề kháng sinh ở thị trường Nhật; thanh tra Nga sang kiểm tra tại các DN Việt Nam và chuyện mới nhất là FDA ra lệnh lưu giữ hàng và tăng cường kiểm tra đối với các lô hàng thủy sản Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Hiện Hoa Kỳ đang đứng thứ tư về các thị trường nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam, chiếm gần 20%. Tôm và cá tra, basa là những mặt hàng chính xuất vào thị trường này.
Tại cuộc họp, các DN sẽ nắm được các thông tin trên một cách đầy đủ và cùng bàn bạc để đề ra những biện pháp khắc phục khó khăn, cũng như nắm bắt các cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong tình hình cạnh tranh gay gắt của thị trường thế giới.