Ngày 6 tháng 8 năm 2015 tròn một năm nước Nga phản ứng trước cấm vận kinh tế của Mỹ, các nước EU, Canada, Úc, Na Uy bằng cách không nhập khẩu các sản phẩm rau, củ, quả, thủy sản, các sản phẩm sữa và thịt từ các nước này và kéo dài thời hạn đến tháng 8 năm 2016. Biện pháp này đã làm nông nghiệp của các nước EU lao đao, đến nay con số tổn thất đã lên đến 5,5 tỉ euro, thật là không nhỏ. Ngược lại, nông nghiệp Nga có điều kiện phát triển vừa về sản xuất, vừa về thị trường tiêu thụ. Người nông dân Nga thầm “cám ơn” lệnh cấm vận của Mỹ, các nước EU, Canada, Úc, Na Uy đã tạo cơ hội cho họ giành lại thị trường tiêu thụ nội địa. Nói như thế, không phải nước Nga đóng cửa thị trường nông sản. thủy sản mà ngược lại họ đã định hướng phát triển hợp tác với các nước khu vực châu Mỹ la tinh, Thái bình Dương, Đông nam châu Á (trong đó có Việt Nam), các nước lân cận trong khối SNG và thành viên các nước Liên minh kinh tế Á-Âu. Nhưng dù sao, các nước EU, đối tác chiếm tới 50% kim ngạch xuất nhập khẩu với Nga mà trong đó tỉ trọng hàng nông sản, thủy sản chiếm không nhỏ, nên các DN xuất khẩu của EU đã mất cơ hội vàng về thị trường này.
Vào mùa hè này, trong các cửa hàng bán lẻ ở Matxcova, đủ đầy các loại rau, quả trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài (trừ các nước EU), người mua vẫn có nhiều lựa chọn tùy theo túi tiền của mình.
Tuy nhiên, hàng hóa bị cấm nhập từ các nước EU vẫn tìm cách tuồn vào Nga để tiêu thụ. Cơ quan hữu trách Nga đã nhiều lần cảnh báo, nhưng đâu vẫn đóng đấy. Đã là lệnh, thì phải thực hiện nghiêm. Chính quyền Nga buộc phải thực thi tiêu hủy hàng bị cấm NK mà vẫn tuồn vào Nga. Lệnh bắt đầu thực hiện từ ngày 6 tháng 8 năm 2015. Ngày đầu tiên đã tiêu hủy 290 tấn hàng có nguồn gốc thực vật và 29,3 tấn hàng có nguồn gốc động vật từ các nước EU thẩm lậu qua biên giới vào Nga bị phát hiện. Tiếp đến, ngày 7 tháng 8 năm 2015, các báo Nga đăng tải sẽ tiêu hủy tiếp 407 tấn hàng nguồn gốc thực vật nữa.
Nhà nước Nga đã và đang quyết tâm thực hiện chương trình quốc gia “Thay thế hàng nhập khẩu đến năm 2020”. Nông nghiệp cũng nằm trong chương trình này. Năm 2015, như Bộ trưởng nông nghiệp Nga Aleksandr Tkachev cho biết: Chính phủ sẽ trích từ ngân sách 237,4 tỉ rúp (tương đương 4,3 tỉ USD) hỗ trợ cho chương trình phát triển nông nghiệp và điều tiết thị trường nông sản. Năm 2016, 237 tỉ rúp nữa sẽ được hỗ trợ tiếp cho nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2015 đạt 102,9%. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế Nga lúc này. Một số sản phẩm chính của nông nghiệp đạt mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể: thịt bò và sản phẩm thịt bò tăng 10,5%, đạt 119 962 tấn; thịt lợn và sản phẩm thịt lợn tăng 12,7%, đạt 909 562 tấn; thịt và sản phẩm thịt gia cầm tăng 11,4%, đạt 2 121 232 tấn; sản phẩm sữa tăng 1,4%, đạt 5 872 899 tấn; phó mát tăng 27,5%, đạt 273 900 tấn; dầu ăn tăng 6,7%, đạt 128 308 tấn; thủy sản tăng 5,8%, đạt 1 915 481 tấn; bột ngũ cốc tăng 1,5%, đạt 4 565 225 tấn; rau các loại tăng 1,9%, đạt 4 627 055 tấn.
Nền nông nghiệp Nga đang được quan tâm và có chiều hướng phát triển tốt, sau nhiều năm dựa vào sản phẩm nhập khẩu của các nước EU và những nước khác. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp cần có thêm thời gian nữa. Lúa này là cơ hội cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp cận và tăng thị phần. Một trong những cách vào thị trường hữu hiệu là doanh nghiệp nên chủ động, trực tiếp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Hội chợ - triển lãm đóng vai trò khá quan trọng. Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia hai dịp HC-TL. Đó là HC-TL Worldfood -2015, dự định tổ chức tại Matxcova từ ngày 15-18 tháng 9 năm 2015; Hội chợ - triển lãm Hàng Việt Nam chất lượng cao “Vietnamexport”, sẽ tổ chức tại Trung tâm Đa chức năng Hà Nội-Matxcova tại Matxcova từ ngày 12 tháng 11 đến 12 tháng 12 năm 2015. Một tin vui đến với các doanh nghiệp hai nước là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu đã được ký kết và xắp đi vào thực hiện. Đây là hành lang pháp lý rất thuận lợi cho hàng Việt Nam vào thị trường đầy tiềm năng này.