Tin tức
Các phương tiện thực hiện TMĐT
16/07/2007

1.2. CÁC PHƯƠNG TIỆN THỰC HIỆN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Thương mại điện tử được thực hiện qua các phương tiện như điện thoại, máy fax, truyền hình, các hệ thống ứng dụng thương mại điện tử và các mạng máy tính kết nối với nhau. Thương mại điện tử phát triển chủ yếu qua Internet và trên các hệ thống cung ứng dịch vụ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử (như mạng giá trị gia tăng, hệ thống quản lý dây chuyền cung ứng hàng hoá, dịch vụ). Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ không dây, các thiết bị không dây tích hợp đa chức năng đang dần trở thành một phương tiện điện tử quan trọng, có khả năng kết nối Internet và rất thuận lợi cho việc tiến hành các giao dịch thương mại điện tử. Các hoạt động thương mại tiến hành trên những phương tiện di động được gọi là thương mại di động (m- commerce).

1.2.1. Điện thoại

Điện thoại là phương tiện phổ thông, dễ sử dụng và thường mở đầu cho các giao dịch thương mại. Có các dịch vụ bưu điện cung cấp qua điện thoại như hỏi đáp, tư vấn, giải trí …Với sự phát triển của điện thoại di động, liên lạc qua vệ tinh, ứng dụng của điện thoại đang và sẽ trở nên rộng rãi hơn. Tuy có ưu điểm là phổ biến và nhanh nhưng bị hạn chế là chỉ truyền được âm thanh là chính, các cuộc giao dịch vẫn phải kết thúc bằng giấy tờ và chi phí điện thoại khá cao.

1.2.2. Máy điện báo telex, telecopy (fax)

Máy fax thay thế được dịch vụ đưa thư và gửi công văn truyền thống. Ngày nay fax gần như đã thay thế hẳn máy telex chỉ truyền được lời văn. Máy fax có hạn chế là không truyền tải được âm thanh, hình ảnh phức tạp và chi phí sử dụng cao.

1.2.3. Truyền hình

Truyền hình đóng vai trò quan trọng trong quảng cáo thương mại. Toàn thế giới ước tính có 1 tỉ máy thu hình, số người sử dụng máy thu hình rất lớn đã khiến cho truyền hình trở thành công cụ phổ biến và đắt giá. Truyền hình cable kỹ thuật số là công cụ quan trọng trong thương mại điện tử vì nó tạo được tương tác hai chiều với người xem, đó là điều mà truyền hình thông thường không làm được. Truyền hình ở một số nước gần như chiếm phần lớn doanh số trong thương mại điện tử dạng B2C.

1.2.4. Thiết bị kỹ thuật thanh toán điện tử

Bao gồm thẻ thanh toán điện tử, túi tiền điện tử, thẻ thông minh, các loại thẻ mua hàng cùng các hệ thống kỹ thuật kèm theo. Xu hướng chung của các loại kỹ thuật này là ngày càng tích hợp nhiều chức năng nhằm tạo tiện lợi tối đa cho người sử dụng.

1.2.5. Máy tính và Internet:

Sự bùng nổ của máy tính và Internet vào những năm 90 của thế kỷ XX đã tạo bước phát triển nhảy vọt cho thương mại điện tử. Máy tính trở thành phương tiện chủ yếu của thương mại điện tử vì những ưu thế nổi bật, xử lý được nhiều loại thông tin, có thể tự động hoá các quy trình, nối mạng và tương tác hai chiều qua mạng.

Mạng máy tính được hình thành khi hai hay nhiều máy tính được nối với nhau (thường bằng cáp), chúng sử dụng các phần mềm để giao tiếp thông tin. Những người sử dụng mạng có thể cùng chia sẻ tài nguyên bao gồm đĩa cứng, ổ đĩa CD-ROM, máy in, modern … Tuỳ theo tính mở rộng của mạng mà người ta chia thành các mạng cục bộ (LAN), mạng diện rộng (WAN) và Internet. Theo phạm vi cung cấp dịch vụ, người ta phân thành các mạng nội bộ (Intranet) và mạng ngoại bộ (Extranet).

Internet được định nghĩa là tập hợp bao gồm các mạng máy tính thương mại và phi thương mại được kết nối với nhau nhờ có đường truyền viễn thông và cùng dựa trên một giao thức truyền thông tiêu chuẩn - đó là giao thức TCP/IP, trong đó TCP (Transmission Control Protocol) chịu trách nhiệm đảm bảo việc truyền gửi chính xác dữ liệu từ máy người sử dụng đến máy chủ, còn IP (Internet protocol) có trách nhiệm gửi các gói dữ liệu từ nút mạng này sang nút mạng khác theo địa chỉ Internet.

Như vậy, Internet là mạng toàn cầu hình thành từ những mạng nhỏ hơn, kết nối hàng triệu máy tính trên toàn thế giới thông qua hệ thống viễn thông. Internet mang lại cơ sở hạ tầng giúp các công ty phổ biến các địa chỉ trên mạng của mình, hiển thị nội dung thông tin để mọi người có thể truy cập. Internet bao gồm các thông tin đa phương tiện như số liệu, văn bản, đồ hoạ, phim ảnh … là một hình thức mạng với những chức năng phong phú để kết nối thông tin trên toàn thế giới.

Các mốc quan trọng hình thành và phát triển mạng Internet có thể kể đến là:

1962: ý tưởng đầu tiên về mạng kết nối các máy tính với nhau (J.C.R. Licklider)

1965: Mạng gửi các dữ liệu được chia nhỏ thành từng gói tin, đi theo các tuyến đường khác nhau và kết hợp lại tại điểm đến (Donald Dovies); Lawrence G. Roberts đã kết nối một máy tính ở Massachussetts với một máy tính khác ở California qua đường dây điện thoại.

1967: Lawrence G. Roberts đề xuất ý tưởng mạng ARPANET - Advanced Research Project Agency Network tại một hội nghị ở Michigan; Công nghệ chuyển gói tin (packet switching technology) đem lại lợi ích to lớn khi nhiều máy tính có thể chia sẻ thông tin với nhau; Phát triển mạng máy tính thử nghiệm của Bộ quốc phòng Mỹ theo ý tưởng ARPANET

1969: Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành dự án nghiên cứu cao cấp ARPA (Advanced research project agency). Mục tiêu dự án là nghiên cứu các tiêu chuẩn và công nghệ - thiết bị truyền gửi dữ liệu thiết lập hệ thống mạng toàn quốc cho phép trao đổi thông tin nhanh chóng, kịp thời, đồng thời đảm bảo cho sự hoạt động liên tục của mạng máy tính, kể cả trong trường hợp một phần hay một bộ phận của mạng thông tin bị phá huỷ. Dự án thành công ngoài sức tưởng tượng, hệ thống mạng đã được các nhà khoa học, các kỹ sư, các ngành công nghiệp, các trường đại học ủng hộ và đã trở thành mạng thông tin khổng lồ, có tên là Internet (mạng của các mạng).

1972: Thư điện tử bắt đầu được sử dụng (Ray Tomlinson)

1973: ARPANET lần đầu tiên được kết nối ra nước ngoài, tới trường đại học London

1984: Giao thức chuyển gói tin TCP/IP (Transmision Control Protocol và Internet Protocol) trở thành giao thức chuẩn của Internet; hệ thống các tên miền DNS (Domain Name System) ra đời để phân biệt các máy chủ.

1990: ARPANET ngừng hoạt động, Internet chuyển sang giai đoạn mới.

1991: Ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản HTML (HyperText Markup Language) cùng với giao thức truyền siêu văn bản HTTP (HyperText Transfer Protocol) ra đời, Internet thực sự trở thành dụng cụ đắc lực với hàng loạt các dịch vụ mới.

Khi Internet xuất hiện, các nhà kinh doanh thương mại đã nhanh chóng khai thác thành tựu này. Họ sử dụng Internet như phương tiện để gửi thư, đàm phán, thảo hợp đồng, ký kết hợp đồng, quảng cáo, chào hàng, tìm kiếm thị trường, đối tác thương mại, và trong một số trường hợp Internet còn được sử dụng như kênh giao hàng. 

World Wide Web (WWW) ra đời, giúp người sử dụng có thể tham chiếu từ một văn bản đến nhiều văn bản khác, chuyển từ cơ sở dữ liệu này sang cơ sở dữ liệu khác với hình thức hấp dẫn và nội dung phong phú. Internet và Web là công cụ quan trọng nhất của TMĐT, giúp cho TMĐT phát triển và hoạt động hiệu quả.

Dịch vụ Internet bắt đầu được cung cấp tại Việt Nam chính thức từ tháng 10 năm 1997 và sự xuất hiện của dịch vụ ADSL vào năm 2003 đánh dấu mốc phát triển mới các dịch vụ trên Internet trong đó có TMĐT tại nước ta.

 

Ý kiến bạn đọc