Tin tức
Cung cấp giải pháp tìm kiếm thông tin thương mại Thủ đô
15/12/2016
Thực hiện mục tiêu phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND TP đã giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu thiết lập và vận hành “ bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ mạng http://bandomuasam.gov.vn. 

Đây là một công cụ trực tuyến - bản đồ số sử dụng nền tảng công nghệ web-base để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa chỉ mua sắm, tiêu dùng ẩm thực, du lịch, giải trí... trên địa bàn Hà Nội, đề xuất địa điểm theo nhu cầu của người mua, người tiêu dùng. Đồng thời, những nhà sản xuất, người bán, nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thể thông qua công cụ trực tuyến “Bản đồ mua sắm” này để giới thiệu, quảng bá về hoạt động kinh doanh, địa điểm Kinh doanh của mình với khách hàng.

 


“Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” cung cấp 2 giải pháp tìm kiếm địa điểm. Cụ thể, khi khách hàng sử dụng các phương tiện điện tử, thiết bị số có hỗ trợ GPS như: máy tính bảng (tablet), điện thoại di động (smart phone) để truy nhập website “Bản đồ mua sắm” thì hệ thống căn cứ vào vị trí GPS của khách hàng hiển thị trên bản đồ số để chủ động đề xuất địa điểm mua sắm trong khoảng cách, phạm vi, địa bàn, ngành hàng, mặt hàng... theo nhu cầu của khách hàng. Giải pháp thứ hai là khi khách hàng sử dụng các phương tiện điện tử, thiết bị số không hỗ trợ GPS như: máy tính để bàn (desktop), máy tính xách tay (laptop) để truy nhập “Bản đồ mua sắm” thì hệ thống trước tiên sẽ đề xuất địa điểm mua sắm theo vị trí trung tâm bản đồ số (ngầm định). Sau đó, khách hàng, người tiêu dùng có thể chủ động sử dụng công cụ tìm kiếm, giới hạn phạm vi tìm kiếm, lựa chọn ngành hàng, mặt hàng, địa bàn phục vụ... để yêu cầu hệ thống giới thiệu địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực cho mình.

Có thể nói, giai đoạn 2011-2015 vừa qua là giai đoạn Trung ương tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về thương mại điện tử. Hưởng ứng chủ trương này, bên cạnh việc vận hành công cụ tra cứu trực tuyến một số thông tin hạ tầng thương mại của Thủ đô - Bản đồ mua sắm nói trên, chính quyền Thành phố cũng đã triển khai những nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng và triển khai Đề án “Tăng cường pháp chế trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội”. 

Trong gian đoạn nay, Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo Thương mại điện tử thành phố Hà Nội, làm nhiệm vụ cơ quan điều phối liên ngành, chỉ đạo các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cùng phối hợp tham gia quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử; Ban hành văn bản quy phạm Pháp luật Quy định quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn; Xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 và chương trình hằng năm. Đồng thời, chính quyền Thành phố đã cân đối, phân bổ đầy đủ vốn ngân sách theo kế hoạch, bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đề ra...

Trong giai đoạn 2016-2020, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đưa thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại phổ biến, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng văn minh, hiện đại và thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, chính quyền thành phố Hà Nội đã xây dựng và ban hành Chương trình số 78/CTr-UBND ngày 22/4/2016 về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố. Giữ vững thứ hạng trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm. Đến năm 2020, nâng số lượng website/ứng dụng TMĐT hoạt động theo đúng quy định của pháp luật chiếm 20% trong tổng số website/ứng dụng TMĐT đang hoạt động trên địa bàn Thành phố. Phấn đấu tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đến năm 2020 đạt 70% số người sử dụng Internet trên địa bàn Thành phố. Đến năm 2020, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. 

Bên cạnh công tác phát triển hoạt động thương mại điện tử, trong giai đoạn 2016-2020, chính quyền Thành phố cũng sẽ tập trung công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này như đặt hàng, tuyển chọn các đề tài khoa học công nghệ Thành phố về “Một số giải pháp quản lý đối với các hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ qua các trang mạng Xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025” và “Nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với bán lẻ trực tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”.
 
                                                                                                          Nguồn Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc