Tin tức
Cạnh tranh bán lẻ trực tuyến ngày càng khốc liệt
16/12/2016
Thông tin từ Aeon Việt Nam cho biết từ khi gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam vào năm 2014, đến nay Aeon đã có 4 trung tâm mua sắm Aeon Mall đi vào hoạt động.

Theo một khảo sát gần đây của phòng thương mại điện tử Aeon đối với khách hàng mua sắm tại các trung tâm này, phần lớn đều sẵn sàng mua sắm trực tuyến để tiết kiệm thời gian. Do đó, nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản đã quyết định tham gia thị trường thương mại điện tử đang khá sôi động của Việt Nam.

Hầu hết các sản phẩm tại siêu thị Aeon đều có mặt tại AeonEshop.com gồm các ngành hàng như: thời trang, mỹ phẩm, nội thất, điện máy, đồ gia dụng, xe đạp, văn phòng phẩm, thực phẩm… và đặc biệt là nhiều mặt hàng hàng nhãn riêng của Aeon mang thương hiệu TOPVALU.

Trang AeonEshop.com sẽ giảm giá đến 50% nhiều mặt hàng trong tháng đầu khai trương

Trong tháng khai trương đầu tiên, www.AeonEshop.com áp dụng chương trình ưu đãi liên tục và giảm giá lên đến 50% cho nhiều mặt hàng. Trong tương lai không xa, AeonEshop sẽ tiếp tục mở rộng ra các tỉnh, thành còn lại của miền Nam, miền Bắc và mục tiêu sẽ giao hàng trên toàn quốc.
Trước Aeon, Lotte Việt Nam cũng đã đưa vào hoạt động trang thương mại điện tử lotte.vn vào cuối tháng 10/2016. Theo đó, nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc đặt tham vọng sẽ chiếm giữ 20% thị phần bán lẻ trực tuyến Việt Nam. Trang mua sắm này cung cấp 100% sản phẩm từ các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn Lotte.

Bên cạnh website, Lotte còn phát hành đồng loạt ứng dụng mua hàng trên kho ứng dụng của ISO và Android với tính năng đăng nhập bằng vân tay.
Như vậy, 2 nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam đã chính thức có trang mua sắm online hòa cùng sự phát triển nhanh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các trang bán hàng trực tuyến lớn như Lazada.vn, Adayroi.com, Tiki.vn, Sendo.vn, shopee.vn, Zalora... Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đã khiến không ít tên tuổi lớn rời bỏ thị trường như Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn và gần đây là Lingo.vn vì không thể chịu nổi mức thua lỗ hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng để giành thị phần.

Theo dự đoán của Google và Temasek, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 8 tỉ USD vào năm 2025.
                                                                                         VnMoney
Ý kiến bạn đọc