Tin tức
Để ngành hậu cần song hành cùng thương mại điện tử
02/12/2016
Việc phát triển dịch vụ hậu cần điện tử (e-logistics) nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng của ngành thương mại điện tử Việt Nam là một trong những chiến lược quan trọng của ngành trong giai đoạn 2016-2022 và những năm tiếp theo.



Trong những năm gần đây, dịch vụ chuyển phát hàng hóa trong nước đã có sự tăng trưởng khá cao, tuy nhiên, sự phát triển này chưa theo kịp bước đi nhanh chóng của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Theo cuộc khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương, một trong những trở ngại lớn đối với ngành thương mại điện tử nằm ở chất lượng của dịch vụ chuyển phát. Các bản báo cáo của Ban tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến trong hai năm vừa qua cũng cho thấy phân nửa lượng khách tham gia chương trình này đánh giá dịch vụ chuyển phát chưa tốt.

Nhu cầu từ thị trường

Đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần, thương mại điện tử và công nghệ thông tin đã tụ họp tại cuộc hội thảo “E-Logistics Việt Nam sẵn sàng cất cánh” do Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức vào đầu tháng 11 này, cùng nhau góp ý cho chiến lược phát triển dịch vụ trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là dịch vụ hậu cần điện tử.

Theo các chuyên gia của cơ quan nghiên cứu về quản lý chuỗi cung ứng của Malaysia (Malaysia Institute for Supply Chain Innovation), những sự thay đổi to lớn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh toàn cầu theo xu hướng kinh tế tri thức đã tác động mạnh mẽ tới ngành hậu cần. Ví dụ, nhiều thiết bị điện tử có kích thước ngày càng nhỏ gọn và có thể mang theo bên người, thậm chí, dưới sự tác động của công nghệ thông tin có những sản phẩm như đĩa CD âm nhạc gần như biến mất trên thị trường và điều này tác động không nhỏ đến ngành dịch vụ giao nhận. Trong khi đó, yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng giao hàng ngày càng cao, không chỉ về thời gian mà cả về mặt thông tin có liên quan tới mặt hàng họ đặt mua. Người tiêu dùng thời nay có xu hướng mua hàng theo kiểu đa kênh, họ có thể tìm hiểu thông tin sản phẩm ở cửa hàng, sau đó mua trực tuyến. Hoặc họ có thể khảo sát giá cả món hàng trên trên mạng, sau đó đến cửa hàng hay siêu thị để mua…

Chính vì những điều này, cơ hội dành cho các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần từ sự phát triển của ngành thương mại điện tử là rất lớn. Tuy nhiên, sự thay đổi rất nhanh của thương mại điện tử với những chu kỳ ngắn 2-3 năm đòi hỏi các doanh nghiệp hậu cần phải có sự thận trọng khi đầu tư vào hệ thống kho bãi, trung tâm hoàn tất đơn hàng (fulfillment center) cũng như toàn bộ hoạt động kinh doanh dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin ở mức cao.

Trong khi đó, Lazada Việt Nam, một trong những doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu trong nước, dự báo rằng ngành thương mại điện tử vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng cao từ nay đến năm 2025. Và chất lượng của dịch vụ hoàn tất đơn hàng và hậu cần điện tử đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển này. Người đại diện của Lazada cho biết doanh nghiệp sẽ mở rộng hệ thống trung tâm hoàn tất đơn hàng tới một số địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… bên cạnh hai trung tâm tại TPHCM và Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, chiến lược của tập đoàn này là hợp tác và liên kết với các công ty hậu cần khác thay cho việc đầu tư toàn bộ bằng nguồn vốn của mình. Đây cũng là tín hiệu mang tính tích cực đối với các doanh nghiệp hậu cần và điều quan trọng là các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần trong nước phải có đủ năng lực lẫn tiềm lực để nắm bắt cơ hội kinh doanh này.

Và sự thách thức trong thực tế

Cuộc thống kê từ thực tế của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy xu hướng thương mại điện tử đang dần chiếm lĩnh thị trường thay cho thương mại truyền thống, nhất là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ đó kéo theo sự phát triển của ngành giao nhận vận tải và chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, còn tồn tại nhiều điều làm hạn chế tốc độ tăng trưởng của ngành hậu cần: nhà cung cấp dịch vụ không chủ động được trước sự biến động về lượng đơn đặt hàng, thiếu nguồn thanh toán đáng tin cậy, và trên hết là hàng hóa không đạt chất lượng theo đúng như thông tin và nhiều rủi ro khách quan.

Chi phí cho dịch vụ hậu cần ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% trong tổng nguồn thu nội địa (GDP), cao hơn khoảng 10 điểm phần trăm so với mức bình quân của các nước đang phát triển trong khu vực. Chỉ riêng trong thương mại điện tử, chi phí giao nhận thường chiếm khoảng 10% giá trị một món hàng có giá dưới 400.000 đồng. Tỷ lệ này tương đối cao và là nguyên nhân chính làm giảm đi sức cạnh tranh của kênh bán hàng trực tuyến khi cuộc nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết có khoảng 40% số khách hàng cho rằng việc mua sắm trên mạng không rẻ hơn so với mua sắm truyền thống.

Ở góc nhìn của một người gắn bó nhiều năm với ngành thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, cho rằng việc thuê đối tác cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng mang lại nhiều điều tiện ích cho doanh nghiệp thương mại điện tử. Nhà cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng sẽ kết nối trực tuyến với người bán để cung cấp dịch vụ nhận hàng, lưu kho, đóng gói, chuyển hàng và các dịch vụ có liên quan khác để hoàn thành hợp đồng trực tuyến với người tiêu dùng (khách hàng cuối cùng). Trong đó, người bán hàng chỉ cần tập trung nguồn lực vào việc bán hàng, nâng cao chất lượng trang web, phần mềm ứng dụng, tiếp thị sản phẩm... để tăng doanh thu. Người bán không cần phải đầu tư chi phí vào hệ thống kho và có thể giảm chi phí vận chuyển, giảm chi phí vật tư, bao bì.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hưng, việc thuê các dịch vụ hậu cần cũng sẽ mang đến một số rủi ro như doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ không tiếp cận trực tiếp với khách hàng cuối cùng, vì thế, dễ đánh mất uy tín do lỗi của đơn vị hoàn tất đơn hàng nếu có. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ gặp một số rủi ro liên quan tới việc tranh chấp giữa người bán với đơn vị hoàn tất đơn hàng trong các trường hợp hàng giao nhận bị hư hỏng, mất mát, hàng giả... Mặc dù có rủi ro, nhưng ông Hưng cho rằng những điều tiện ích mà việc thuê dịch vụ hoàn tất đơn hàng mang lại là lớn hơn nhiều.

Ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Phát triển Dịch vụ trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, cho rằng chính những yêu cầu về chất lượng dịch vụ hậu cần điện tử cũng tạo ra cơ hội cho thị trường chuyển phát hàng hóa và bưu kiện nói riêng cũng như thị trường hậu cần nói chung. Thời gian qua, dịch vụ chuyển phát đã phát triển mạnh mẽ và bao phủ rộng khắp các tuyến xã trên cả nước. Với 35-40% dân số sử dụng Internet hằng ngày, hoạt động mua sắm trực tuyến đang dần trở thành xu hướng tất yếu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến và nhà chuyển phát phát triển mạnh mẽ. Giới chuyên gia cho rằng để có thể đồng hành và theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử, các doanh nghiệp chuyển phát cần có bước phát triển mạnh mẽ hơn về quy mô, chú trọng việc đầu tư cho công nghệ thông tin và nâng cao tính chuyên nghiệp.

Trên thực tế, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn thuộc về những người khổng lồ quốc tế, trong đó không thể không kể đến Amazon và Alibaba. Những người chơi nhỏ hơn trong khoảnh sân này là hơn 9.400 trang web bán hàng trực tuyến và hơn 300.000 trang fanpage đang hoạt động (có đăng ký với cơ quan chức năng). Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết doanh thu bán hàng trực tuyến trong năm 2015 đạt 4,07 tỉ đô la Mỹ, chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước, và dự báo mức tăng trưởng của năm nay là 30%. Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi về việc dịch vụ hậu cần điện tử có phục vụ được nhu cầu gia tăng nhanh chóng kể trên hay không vẫn nằm ở thì tương lai. Và các công ty giao nhận đang “đánh cược” với dịch vụ này trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển sôi động. Sự ra đời của hàng loạt sàn giao dịch vận tải Vinatrucking, Viettruck, Sanvanchuyen.vn…trong thời gian gần đây đã phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến trong việc giải bài toán dịch vụ hậu cần và kho vận. Có lẽ, trong thời gian sắp tới, phải vượt ra khỏi các khó khăn về chi phí đầu tư, khoảng cách địa lý, thời gian giao hàng... thì ngành hậu cần điện tử mới có thể đi theo kịp xu hướng.
Báo mới .com
Ý kiến bạn đọc