Tin tức
Để có một website hiệu quả...
18/05/2009
 
Việc xây dựng website trong doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay không còn xa lạ nhưng để có một website hiệu quả như Amazon, eBay..., cần phải chú ý tới những gì?
 

 

Thế Giới Vi Tính: Chào bạn! Trước khi cung cấp thông tin “Làm thế nào để có một website hiệu quả?” đến bạn, mời bạn tham khảo một số thông tin tổng quan về hoạt động của các website Việt Nam do ông Trần Hữu Linh, phó cục trưởng cục Thương Mại Điện Tử và CNTT, bộ Công Thương cung cấp. Hiện ở Việt Nam có khoảng 45,3 % DN có website, trong đó có khoảng 80 nghìn tên miền tiếng Việt (.vn). So với Mỹ (có đến 90%), tỷ lệ này không cao. Website giờ đây đã trở thành một thứ thiết yếu phải có đối với DN. Nếu DN nào không có khi giao dịch với khách hàng dễ bị xem là kém tin cậy.

Ông Trần Hữu Linh
Thực trạng của các website Việt Nam hiện nay mà ông Linh cho biết là, các website quá chú trọng xây dựng hình thức, nhiều hình ảnh, bay nhảy, nhấp nháy khiến người xem bị rối mắt. Tính cập nhật của các website này rất kém. Có những website chỉ xây dựng cho có rồi để đó. Thông tin cập nhật từ vài 3 tháng thậm chí từ nhiều năm trước. Đây là điều tối kỵ đối với người đọc! Website cũng được xem như một địa chỉ nhưng rất ít DN quan tâm đến việc quảng bá, giới thiệu để mọi người biết. DN xuất khẩu mới chỉ chú trọng xây dựng phần tiếng Việt chưa quan tâm đến phiên bản tiếng Anh...

Một đánh giá khác của ông David Tran, giám đốc Maketing của Worldsoft, có nhiều năm kinh nghiệm về phát triển kinh doanh và tiếp thị, từng sống và làm việc ở 4 quốc gia: Mỹ, Singapo, Ấn Độ và Việt Nam, tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử, phát triển phần mềm và giao dịch địa ốc trực tuyến, cho rằng: “Tất cả các website Việt Nam chưa đáp ứng và thể hiện được đầy đủ các lợi thế tiềm năng của nó. Các website sử dụng quá nhiều mầu sắc vào các phông chữ khác nhau, dồn quá nhiều mục quảng cáo vào một chỗ. Bản thân việc định vị trên website không logic, đôi khi có những lỗi rõ rệt khiến các tiện ích của website bị hạn chế và làm cho người sử dụng gặp nhiều khó khăn. Việc thiết kế ở Việt Nam có vấn đề! Nhiều trang web vẫn sử dụng các biểu ngữ và các hình hoạt họa gây khó chịu, làm xao lãng thông điệp chính của website. Và hầu hết các website của Việt Nam có xu hướng sao chép lại của người khác, tạo thói quen và thông lệ xấu...”.

Dưới đây là trao đổi của tạp chí Thế Giới Vi Tính B với ông David Tran, nhằm làm rõ hơn các nhận định nói trên và tư vấn thêm về cách thức xây dựng website:

Thế Giới Vi Tính: Thưa ông David! Theo ông các DN Việt Nam muốn có một website tốt cần phải làm gì?


Ông David Tran: Có một câu châm ngôn “ít hơn là nhiều hơn “(Less is more). Nếu bạn thực sự muốn có một số ý tưởng để thiết kế được những trang web tuyệt vời và hiệu quả, đơn giản bạn chỉ cần nhìn vào những công ty hoạt động cùng ngành nghề ở Mỹ hay ở những nơi khác. Cách tốt nhất mà các website của Việt Nam nên làm là nghiên cứu và xem những website đó để học thêm cách thể hiện mà không tốn chi phí. Bạn nên để website của mình trống và thoáng, như thế người truy cập sẽ tập trung hơn vào các phần quan trọng. Không cần thiết phải nhồi nhét tất cả các nội dung về công ty của bạn vào một trang vì không có ai sẽ đọc mọi thứ cùng một lúc. Hãy giữ cho mọi thứ đơn giản.

Ông David Tran

Hơn hết bạn phải quan tâm đến thị trường mục tiêu, khách hàng của bạn. Ai là những người sẽ mua sản phẩm và dịch vụ của bạn?! Họ cần tìm kiếm gì khi họ vào trang web của bạn?! Có những người sẽ hỗ trợ cho việc kinh doanh của bạn qua việc chi tiêu của họ và họ chính là tiêu điểm của bạn khi xây dựng website. Điều này chính là nguyên lý hướng dẫn khi xây dựng một trang web. Vì vậy, bước đầu tiên bạn hãy dành nhiều thời gian và sức lực dể nghiên cứu, khảo sát các khách hàng mục tiêu của mình, xem họ thuộc đối tượng nào để phục vụ?

Thứ hai, bạn nên tạo ra giao diện web cho phù hợp với các khách hàng này, nếu là khách hàng trẻ em, bạn cần đưa ra nhiều mầu sắc, các trò chơi và nhân vật vui nhộn để thu hút sự chú ý. Nếu là người lớn tuổi bạn cần có font chữ lớn và giao diện lớn hơn bình thường vì đa phần họ là những người không có kinh nghiệm sử dụng Internet như những người trẻ tuổi. Nếu khách hàng của bạn là DN bạn cần phải chỉ thẳng vào các vấn đề mà họ quan tâm chẳng hạn: việc kinh doanh và ngành nghề của họ... Tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào khách hàng mục tiêu của bạn! Khi bạn đã hiểu về họ rồi thì chuyện thiết kế và xây dựng trang web sẽ trở nên dễ dàng. Nếu bạn muốn xem bản liệt kê mọi thứ một cách chi tiết và hoàn chỉnh, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin ở phần trình bày của tôi tại địa chỉ: http://www.worldsoft.com.vn/download/Worldsoft_Effective_Websites_2009.pdf

 

“Không cần thiết phải nhồi nhét tất cả các nội dung về công ty của bạn vào một trang vì không có ai sẽ đọc mọi thứ cùng một lúc. Hãy giữ cho mọi thứ đơn giản”.

Ông lớn lên và làm việc ở Mỹ, Singapore, Ấn Độ. Hẳn ông có nhiều điều kiện tiếp cận với các website của DN ở các nước này. Vậy, ông có thể chia sẻ một số đánh giá của mình về các website lớn với DN Việt Nam?

Các bạn có thể nghĩ, hầu hết các website ở Mỹ đều tuyệt vời, nhưng thật ra không hoàn toàn như vậy. Ở Mỹ có nhiều website nhỏ không chú trọng vào chi tiết và không tập trung vào các khách hàng của họ, do vậy chúng không thực sự hiệu quả. Song, nhìn chung việc phát triển website trở thành một ngành kinh doanh tồn tại ở Mỹ lâu đời hơn ở Việt Nam. Những công cụ và kinh nghiệm sẵn có ở Mỹ giúp cho việc làm một trang web cũng thuận lợi và dễ dàng hơn. Các bố cục chức năng suôn sẻ, nói chung tạo cảm giác dễ chịu. Ví dụ, ở Mỹ có nhiều dịch vụ web sẵn có để hỗ trợ công việc tạo ra hàng loạt các website với các khuôn mẫu sẵn có. Các dịch vụ này khá tốt để sử dụng. Ở VN dường như thiếu các dịch vụ này.

Những người phát triển web ở Mỹ có nhiều tiềm lực, được đào tạo nhiều hơn nên họ thiết kế trang web rất hiệu quả. Điều quan trọng là những website của Mỹ rất chú trọng đến thiết kế. Ít nhất bạn muốn website của bạn được rõ ràng và mạch lạc, các công cụ chức năng phải dễ dàng nhìn thấy và dễ tiếp cận, phải dành đủ những khoảng trống giữa các hình đồ họa và chữ cho phép người sử dụng đọc web thuận lợi hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo PCWorld VN và 3c
Ý kiến bạn đọc