Ngày 17/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 601/QĐ-TTg quy định thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động.
Vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng
Tại dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính nêu rõ vốn hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ) bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động. Trong đó, vốn chủ sở hữu bao gồm: 1- Vốn điều lệ của Quỹ là vốn do ngân sách nhà nước cấp là 2.000 tỷ đồng được nhà nước cấp đủ trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có Quyết định thành lập Quỹ; 2- Vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ gồm: Quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận chưa phân phối; 3- Chênh lệch do đánh giá lại tài sản (nếu có); 4- Vốn đóng góp tự nguyện không phải hoàn trả của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; 5- Vốn tài trợ hợp pháp không phải hoàn trả của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước dành cho lĩnh vực phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; 6- Vốn khác thuộc sở hữu của Quỹ theo quy định của pháp luật.
Vốn huy động bao gồm: Vốn đóng góp tự nguyện theo nguyên tắc có hoàn trả của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn tài trợ hợp pháp theo nguyên tắc có hoàn trả của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước dành cho lĩnh vực phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn nhận uỷ thác của Nhà nước, của các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ cho lĩnh vực phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Lãi suất cho vay không quá 90% lãi suất cho vay thương mại
Theo dự thảo, Quỹ được sử dụng vốn để thực hiện hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại tiết b, khoản 1, Điều 4 Quyết định số 601/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, Quỹ cũng được sử dụng vốn để mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; được sử dụng vốn nhàn rỗi để gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần được xếp loại A theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đầu tư mua trái phiếu Chính phủ nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ; đầu tư, mua sắm tài sản cố định và các tài sản khác phục vụ cho hoạt động của Quỹ.
Dự thảo nêu rõ, lãi suất cho vay của Quỹ do Bộ Tài chính quy định trong từng thời kỳ đối với từng kỳ hạn cho vay phù hợp với việc diễn biến lãi suất của thị trường nhưng không vượt quá 90% lãi suất cho vay thương mại cùng kỳ hạn.
Mức lãi suất cho vay của Quỹ đối với từng khoản giải ngân được áp dụng theo lãi suất cho vay do Bộ Tài chính quy định tại thời điểm gần nhất. Lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi khoản giải ngân bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn đối với khoản giải ngân đó.
Theo dự thảo, lãi suất cho vay thương mại, được Ngân hàng Nhà nước thông báo định kỳ hàng tháng hoặc khi có biến động đột biến về lãi suất cho Bộ Tài chính, là mức lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân (dưới 1 năm) và trung dài hạn bình quân (từ 1 năm trở lên) của 5 ngân hàng thương mại nhà nước (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP nhà đồng bằng sông Cửu Long và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) trên địa bàn TP Hà Nội để làm cơ sở xác định mức lãi suất cho vay của Quỹ.