LỜI MỞ ĐẦU
Vào cuối thế kỷ XX, sự phát triển và hoàn thiện của kỹ thuật số đã được áp dụng trước hết vào máy tính điện tử, tiếp đó sang các lĩnh vực khác (điện thoại di động, thẻ tín dụng ...). Số hoá và mạng hoá đã là tiền đề cho sự ra đời của nền kinh tế mới - nền kinh tế số (còn gọi là nền kinh tế tri thức, nền kinh tế dựa trên tri thức,...). Việc mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử, Internet và các mạng viễn thông khác đã xuất hiện, đó chính là “Thương mại điện tử” (TMĐT).
Thương mại Điện tử là toàn bộ chu trình và các hoạt động kinh doanh liên quan đến các tổ chức hay cá nhân tiến hành hoạt động thương mại có sử dụng các phương tiện điện tử và công nghệ xử lý thông tin số hoá, bao gồm cả sản xuất, phân phối, marketing, mua – bán, giao hàng hoá và dịch vụ bằng các phương tiện điện tử.
Tuy mới xuất hiện và chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong thương mại song TMĐT đã mang lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, chính phủ, người tiêu dùng và xã hội. Thương mại điện tử đã vượt ra khỏi lĩnh vực thương mại, ngày càng tác động đến các lĩnh vực khác và hứa hẹn mang lại những thay đổi to lớn và sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội loài người. Thương mại điện tử ngày càng được sự quan tâm của Chính phủ, Doanh nghiệp và người tiêu dùng và đang trở thành một công cụ hữu hiệu trong quá trình toàn cầu hoá và trong xây dựng nền kinh tế số. Thât khó mà hình dung ra xã hội tương lai nếu không có TMĐT.
Bên cạnh đó, TMĐT cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết để khai thác các lợi ích của TMĐT như vấn đề an toàn, an ninh cho các giao dịch trên mạng, các vấn đề về bảo vệ bí mật, tính riêng tư, các vấn đề về CNTT và truyền thông, cơ sở hạ tầng, các vấn đề về nhân lực, chuyển đổi mô hình kinh doanh, các vấn đề về quản lý, thay đổi tập quán, thói quen trong kinh doanh…
Phát triển TMĐT đang là vấn đề đặt ra cho nước ta khi tham gia Tổ chức thương mại thế giới WTO. TMĐT vừa là cơ hội, vừa là công cụ hữu hiệu bảo đảm sự bình đẳng và bứt phá của Doanh nghiệp VN trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Cuốn sách “Thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp” được biên soạn nhằm trang bị cho doanh nghiệp những kiến thức cơ bản về TMĐT và được trình bày theo quan điểm thực hành. Do vậy không đòi hỏi độc giả phải có những kiến thức chuyên sâu về CNTT, nhưng cần có những kiến thức về kinh tế và thực tế kinh doanh để có thể vận dụng được các mô hình kinh doanh mà cuốn sách giới thiệu. Do các mô hình kinh doanh trong TMĐT mà thế giới hiện nay đang sử dụng phát triển hết sức nhanh chóng và rất phong phú nên các tác giả lựa chọn và chỉ giới thiệu các mô hình cơ bản, có tính mô-đun mà doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng trong xây dựng mô hình kinh doanh của mình khi tham gia TMĐT.
Phù hợp với mục đích trên, cuốn sách sẽ không giới thiệu sâu về công nghệ, kỹ thuật của TMĐT, chúng tôi coi đó là công việc của các nhà chuyên môn về TMĐT.
Cuốn sách này được biên soạn trong khuôn khổ dự án “Tổ chức Triển khai, phát triển TMĐT” do Bộ Thương mại tiến hành. Mặc dù quá trình tham khảo, lựa chọn kiến thức, thử nghiệm giảng dạy được tiến hành công phu song do TMĐT phát triển nhanh nên chúng tôi cho rằng còn nhiều nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung, cập nhật trong quá trình nghiên cứu giảng dạy và học tập.
Trong lần xuất bản đầu tiên này, chúng tôi đã nhận được các ý kiến đóng góp quý báu của GS.TS Đặng Hữu Đạo - viện CNTT, Thạc sỹ Nguyễn Văn Thoan - Trưởng bộ môn TMĐT trường Đại học Ngoại thương và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp đó. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hơn nội dung của cuốn sách trong lần xuất bản sau. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về theo địa chỉ
|
Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2006 Các tác giả |