Ông Nguyễn Hoàng Tâm, Giám đốc một công ty chuyên về lĩnh vực marketing, đưa ra dẫn chứng về hiệu quả của marketing trực tuyến mà công ty ông đã từng thực hiện cho khách hàng trong năm 2009. Đó là chương trình khuyến mãi của một nhãn hàng sữa của Mỹ đang phân phối tại Việt Nam.
Thay vì làm cách thông thường là gửi phiếu tham gia khuyến mãi cho người tiêu dùng, ông Tâm đã tư vấn cho khách hàng chọn cách nhắn tin qua điện thoại di động. Với hình thức này, hãng sữa có thể tính được hiệu quả bán hàng. Ngoài ra, còn nắm được thông tin chính xác về khách hàng trung thành của mình.
Đó là ví dụ về hiệu quả của marketing trực tuyến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, marketing chỉ là phương tiện hỗ trợ việc bán hàng, chứ không phải là công cụ bán hàng. Phần đông các hoạt động marketing trực tuyến hiện nay chủ yếu là quảng cáo, rao vặt của các cá nhân và đơn vị nhỏ. Một số DN lớn có tham gia nhưng chưa thật sự quan tâm đến marketing trực tuyến.
Khảo sát của Công ty Nhất Duy, một DN chuyên xây dựng thương hiệu trực tuyến, cho thấy, có đến 82% website DN không được cập nhật thông tin thường xuyên, 73% DN chưa đầu tư đúng mức vào xây dựng và phát triển thương hiệu trực tuyến, 85% DN chưa có bộ phận marketing trực tuyến chuyên nghiệp.
Theo ông Phạm Năng Khoa, Giám đốc Công ty Nhất Duy: “Mặc dù tiếp thị trực tuyến (hay tiếp thị số) đang ngày càng được nhiều DN quan tâm, nhưng phần lớn những hoạt động này đều được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, chủ yếu chỉ để quảng bá một chương trình, kế hoạch của DN, chứ chưa có chiến lược bài bản, chuyên nghiệp”.
Cùng quan điểm này, ông Trương Văn Quý, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Công nghệ và Truyền thông EQ, thông tin thêm, mặc dù lượng người sử dụng internet cao, nhưng kinh phí dành cho marketing trực tuyến chỉ chiếm 1 - 2% trong tổng ngân sách marketing. Và có một thực tế là ở nhiều DN lớn, tuy chưa có nhu cầu sử dụng marketing trực tuyến, nhưng nhân viên vì áp lực công việc đã “lang thang” trên mạng và quảng cáo, rao vặt hàng hóa của DN. Làm như thế sẽ ảnh hưởng không ít đến thương hiệu của DN đó.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực marketing trực tuyến, xác định chính xác mục tiêu chiến lược, chọn thước đo đúng, chọn kênh truyền thông phù hợp là những yếu tố quan trọng làm nên một chiến dịch marketing trực tuyến hiệu quả. |
Ông Quý cho rằng, Việt Nam với 27% dân số sử dụng internet là điều kiện tốt để marketing trực tuyến phát triển. Hiện nay, các DN nhỏ bước vào thị trường nhanh và năng động hơn nhiều so với các DN lớn. Cũng vì số DN nhỏ sử dụng công cụ marketing tăng nhanh nên đã thúc đẩy các DN lớn cùng tham gia.
Ông Chris Trần, Giám đốc truyền thông số của New Media Edge, cho rằng, để marketing trực tuyến mang lại hiệu quả thực sự, DN cần đưa ra các tiêu chí đánh giá chính xác mục tiêu marketing và khi đã xác định được mục tiêu rồi thì sẽ biết mình nên đo lường như thế nào. Mỗi ngành hàng có cách chọn kênh marketing trực tuyến riêng.
Chẳng hạn, hàng tiêu dùng nhanh cần có cách đo lường và tiếp cận khác với các mặt hàng dịch vụ, công nghiệp thông thường. Cụ thể, các DN thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh có ngân sách marketing lớn, nhưng khách hàng lại không có nhu cầu mua hàng qua mạng. Vì vậy, chỉ nên nhắm đến mục tiêu quảng bá thương hiệu, tạo ra độ nhận biết thương hiệu. Và hình thức quảng bá này nên dựa vào tiêu chí tiếp cận và tiếp cận bao nhiêu lần để làm thước đo hiệu quả.
Đồng quan điểm với ông Chris Trần, bà Phan Thị Mỹ Lệ, người sáng lập mạng xã hội Motibee với hơn 270.000 thành viên, chia sẻ: “Ngoài việc chọn kênh tùy theo yêu cầu của từng ngành hàng, chiến dịch cụ thể, các DN cũng phải biết chọn mạng trực tuyến phù hợp để thực hiện. Ngoài ra, cũng nên chọn vị trí đắc địa và ít DN quảng bá. Vì quá nhiều DN quảng bá thì thương hiệu sẽ bị loãng”.
Cũng theo bà Lệ, hiệu quả nhất của marketing trực tuyến ở Việt Nam hiện nay là các mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu tham gia các mạng này thì sản phẩm và dịch vụ phải có “nội dung” để người truy cập có thể đánh giá, nhận xét thì mới thành công”, bà Lệ nói thêm.