Theo các chuyên gia thương mại điện tử (TMĐT), việc trang web Muaban24 bán hàng đa cấp mạo danh TMĐT đã khiến những trang web làm ăn chân chính bị vạ lây vì khiến cho nhiều người hiểu sai về hình thức kinh doanh hiện đại này....
Muaban24 không phải là "kẻ núp bóng" duy nhất
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng phòng Truyền thông, Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, về bản chất, website Muaban24 không phải là trang web TMĐT mà chỉ là website bán hàng đa cấp “núp bóng” TMĐT.
Ngoài Muaban24 thì gần đây Hiệp hội cũng phát hiện một số website tương tự như gobay.vn... "Bản thân Muaban24 cũng không có giấy phép bán hàng đa cấp nên việc mạo danh TMĐT sẽ giúp website này lách luật và không bị cơ quan chức năng để ý", ông Bình cho biết thêm.
Ông Ngô Quý Thu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông HDC Việt Nam, đơn vị chủ trì sàn TMĐT az24 nhận định: hình thức hoạt động của Muaban24.vn không phải là TMĐT bởi thương mại đúng nghĩa là phải bán sản phẩm, nhưng ở mô hình Muaban24, những người tham gia chỉ cốt mời gọi thêm nhiều đối tượng khác cùng góp tiền để mở rộng mạng lưới chứ không bán sản phẩm nào.
"Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, ngoài Muaban24 thì còn 38 website khác cũng đang hoạt động theo mô hình này", ông Thu nhấn mạnh.
Để tránh xảy ra tình trạng tiếp tục mọc ra những trang web bán hàng đa cấp mạo danh TMĐT khác, mới đây trong dự thảo Nghị định về TMĐT tại Điều 4 đã nêu rõ quy định 4 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động TMĐT.
Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất cấm đối với hành vi cung cấp dịch vụ TMĐT thông qua một mạng lưới kinh doanh, tiếp thị mà mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới…
Theo ông Bình, sau khi Nghị định ra đời, các Sở địa phương sẽ có chế tài để xử lý những trang web theo mô hình giống của Muaban24. Khi đó, các website bán hàng đa cấp mạo danh TMĐT bắt buộc phải chuyển hướng kinh doanh hoặc đóng cửa nếu không muốn bị cơ quan chức năng xử lý".
Trước đây, một website bán hàng đa cấp "lạm dụng" kinh doanh du lịch lữ hành cũng đã bị xử lý vì hành vi "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" (Điều 226b – Bộ luật hình sự) - đó là chương trình "Kỳ nghỉ kim cương" của Công ty Diamond Holiday.
Gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển TMĐT
Ông Thu đưa ra nhận xét rằng các mô hình hoạt động trá hình TMĐT như Muaban24 đã và đang ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của các đơn vị làm ăn chân chính trong bối cảnh TMĐT Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển, đồng thời gây cản trở quá trình phát triển thanh toán phi tiền mặt ở nước ta.
Một điểm đáng lưu ý là Muaban24 phát triển mạnh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa như Đăk Lăk, Phú Thọ…; đánh vào tâm lý tham tiền, muốn làm giàu nhanh của các đối tượng nông dân, sinh viên, những người không có việc làm. Hầu hết những người tham gia Muaban24 đều không hiểu gì về TMĐT cũng như bản chất của mô hình bán hàng đa cấp.
Cùng quan điểm trên, ông Bình cho rằng, vụ Muaban24 chắc chắn làm ảnh hưởng đến hình ảnh TMĐT ở Việt
Việc này tạo ra những khó khăn nhất định cho những website TMĐT mới gia nhập thị trường. "Thời gian tới, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn người dùng mua bán qua mạng an toàn", ông Bình nhấn mạnh.
Với vai trò Tổng giám đốc Công ty Peacesoft, đơn vị chủ quản sàn TMĐT chodientu.vn, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, bản thân chodientu.vn, mặc dù là trang web TMĐT lâu đời nhưng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi hành vi lừa đảo của Muaban24.
Còn theo ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty VC Corp, sau sự việc của Muaban24, những người chưa tiếp xúc với TMĐT sẽ có những nghi vấn nhất định khi có ý định mua bán trên các website TMĐT. "Tuy nhiên, đối với các trang web TMĐT của VC Corp như enbac, rongbay, solo, muachung… hiện chúng tôi chưa nhận được bất kỳ sự băn khoăn nào từ phía khách hàng", ông Tân nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, công an đã phá 2 vụ án tội phạm mạng ở Công ty TNHH Diamond Holiday (DHT) và Công ty đào tạo mua bán trực tuyến Muaban24 (MB24). Cả hai công ty đều có chung một hành vi lừa đảo: Dụ dỗ, lôi kéo người tham gia để hưởng hoa hồng.
Chiều 31/7, khi cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với GĐ và 2 PGĐ Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến tại Phú Thọ thì hàng ngàn thành viên của MB24 mới biết mình bị "sập bẫy" cái gọi là TMĐT - mua bán trực tuyến.
Với slogan: "Trao tiện ích - nhận thành công" và chiêu thức đào tạo, vận động rót mật vào tai theo kiểu "đầu tư nhỏ, lợi ích lớn", chỉ cần bỏ ra 5,2 triệu đồng để thuê một gian hàng ảo (vô thời hạn) và trở thành hội viên của MB24, nhà đầu tư đã được hưởng vô khối lợi ích và có cơ hội trở thành triệu phú với thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng.
Cụ thể, sau khi thuê gian hàng ảo, không cần kinh doanh mua bán gì, chỉ cần giới thiệu được thêm mỗi thành viên tham gia vào hệ thống là được hưởng 1,5 triệu đồng/người, mỗi thành viên trong hệ thống đó giới thiệu thêm được người thứ 3 thì hội viên ban đầu được hưởng 320.000 đồng. Khi hệ thống đạt ngưỡng 99 thành viên thì người phát triển hệ thống đó thành VIP... mỗi tháng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Với phương thức này, cộng với nhiều chiêu thức tổ chức đào tạo, hội nghị khách hàng... hoành tráng, chỉ trong thời gian ngắn, MB24 đã phát triển hệ thống với tốc độ chóng mặt. Từ các TP lớn như Hà Nội, TPHCM đến các tỉnh miền núi như Hà Giang, Sơn La đến Tây Nguyên... các sàn của MB24 luôn tấp nập người.
Theo thống kê sau 1 năm hoạt động, đến nay MB24 đã có tới hơn 50 chi nhánh tại 32 tỉnh, TP với tổng số hội viên lên đến 25.000 người. Cũng theo cơ quan chức năng thì tổng số tiền mà các thành viên phải nộp lên đến trên 700 tỉ đồng. MB24 có dấu hiệu vi phạm pháp luật từ cuối năm 2011, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã xác lập chuyên án để đấu tranh.
Đến nay, các phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ công an các tỉnh có chi nhánh của MB24 hoạt động đều đã vào cuộc quyết liệt để điều tra xác minh.