Tin tức
Nhóm giải pháp chung
16/07/2007

5.1. NHÓM GIẢI PHÁP CHUNG

5.1.1. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước

5.1.1.1. Nhanh chóng triển khai các chương trình, dự án được đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2006 - 2010

Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2006 - 2010 đã xác định mục tiêu và những giải pháp lớn để phát triển thương mại điện tử trong trung hạn. Tuy nhiên, việc triển khai Kế hoạch tổng thể phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực và sự phối hợp của nhiều cơ quan nhà nước, trước hết là các bộ ngành ở Trung ương và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để triển khai tốt Kế hoạch này, các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ chủ trì các dự án liên quan cần nắm rõ nội dung, mục đích và các giải pháp đưa ra, sau đó dựa trên thực tế của ngành, địa phương để lập kế hoạch triển khai từng dự án cụ thể cho năm 2006 và cả giai đoạn năm năm 2006 - 2010.

5.1.1.2. Đẩy mạnh hoạt động phổ biến và tuyên truyền về thương mại điện tử

Mặc dù hoạt động phổ biến và tuyên truyền về thương mại điện tử bắt đầu diễn ra sôi động trong năm 2005 và thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của thương mại điện tử chưa cao. Song song với hoạt động đào tạo chính quy, trong năm 2006 cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phổ biến, tuyên truyền về lợi ích và các điều kiện cần thiết để ứng dụng thương mại điện tử.

Việc phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử cần được mở rộng thông qua các hình thức diễn đàn, hội thảo, tổ chức sự kiện và đặc biệt là các hình thức tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Hình thức tuyên truyền cần được đổi mới để làm cho thương mại điện tử dễ hiểu, dễ tiếp xúc với đa số người dân, đồng thời có tính đến từng nhóm đối tượng cụ thể như các cán bộ quản lý, doanh nhân, người tiêu dùng, giới trẻ.

5.1.1.3. Ban hành kịp thời các Nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử và Luật Thương mại

Luật Giao dịch điện tử và Luật Thương mại có tác động rất lớn tới sự phát triển của thương mại điện tử và có hiệu lực trong quý một năm 2006. Các cơ quan được giao chủ trì xây dựng các nghị định hướng dẫn thực thi hai luật này cần nhanh chóng xây dựng và trình Chính phủ ban hành càng sớm càng tốt, đặc biệt là Nghị định về Thương mại điện tử và Nghị định về Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Cùng với việc tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại điện tử để hoàn thiện khung pháp luật hiện có, trong thêi gian tíi các cơ quan nhà nước cần tiến hành rà soát những quy định đã ban hành để tìm ra những điểm không phù hợp với giao dịch thương mại điện tử nhằm loại bỏ những quy định chưa hợp lý, sửa đổi, bổ sung những quy định cần thiết theo hướng không phân biệt đối xử giữa giao dịch thông thường và giao dịch điện tử.

5.1.1.4. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ của cơ quan nhà nước đối với thương mại điện tử

Trong năm tới các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là dịch vụ công liên quan tới các thủ tục thương mại như các loại giấy phép xuất khẩu và nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, khai hải quan trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đấu thầu mua sắm công khai trên mạng không những chỉ với các dự án qui mô quốc gia mà cả trong mua sắm dùng ngân sách nhà nước của các cơ quan cấp bộ ngành và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp thông tin kinh tế, thương mại trên các website của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương. Đồng thời gấp rút triển khai những hoạt động liên quan tới thống kê thương mại điện tử nhằm giúp cho công tác hoạch định chính sách của cơ quan nhà nước cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được tốt hơn.

Do TMĐT có nhiều rào cản nên hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tự mình không thể vượt qua để tham gia ngay TMĐT. Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tạo dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kỹ thuật và công nghệ của TMĐT. Bộ Thương mại đang tiến hành dự án ”Tổ chức triển khai, phát triển TMĐT” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 95/2002/QĐ-TTg ngày 17/7/2002 nhằm tạo dựng các điều kiện cơ bản, cần thiết ban đầu cho TMĐT Việt Nam phát triển. Dự án sẽ xây dựng 3 sàn TMĐT tại 3 miền đất nước cung cấp cho các doanh nghiệp cơ sở hạ tầng máy tính, truyền thông, kỹ thuật và công nghệ bảo mật, công nghệ thực hành TMĐT, xây dựng các trang Web TMĐT mẫu, huấn luyện cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp chỉ với điều kiện có máy tính kết nối Internet và cán bộ có trình độ văn phòng hoàn toàn có thể tham gia TMĐT ở tất cả các cấp độ mà một doanh nghiệp nước ngoài có thể thực hiện. 

5.1.2. Đối với các doanh nghiệp

5.1.2.1. Chủ động tìm hiểu về thương mại điện tử

Cho tới nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết tới thương mại điện tử và những lợi ích mà nó mang lại, kể cả nhiều doanh nghiệp nhà nước có qui mô lớn. Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm bắt được và biết cách ứng dụng thương mại điện tử. Năng lực cạnh tranh khá cao và tỷ trọng xuất khẩu lớn của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phản ánh phần nào điều này.

Các doanh nghiệp trong nước, cả doanh nghiệp có quy mô lớn lẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động tìm hiểu về thương mại điện tử, coi đây là một trong những nhiệm vụ gắn với việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin có tác động to lớn và toàn diện tới năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, sức ép cạnh tranh từ việc mở cửa thị trường sẽ rất lớn nên việc sử dụng thương mại điện tử để nâng cao sức cạnh tranh là cấp thiết.

5.1.2.2. Xác định mô hình thương mại điện tử thích hợp và xây dựng kế hoạch triển khai mô hình tại doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp đã nhận thức được lợi ích của thương mại điện tử, tuy nhiên còn lúng túng trong việc triển khai cụ thể hoặc có tâm lý trông chờ vào sự hướng dẫn, hỗ trợ từ phía Nhà nước. Doanh nghiệp cần thấy rằng việc triển khai thương mại điện tử khó có thể rập khuôn theo các mô hình có sẵn. Do vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu và tự chọn cho mình mô hình thương mại điện tử phù hợp với quy mô doanh nghiệp, loại hình kinh doanh, trình độ cán bộ và khả năng tài chính của mình.

Trên cơ sở mô hình đã chọn, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch triển khai, bao gồm kế hoạch tài chính trên cơ sở đầu tư vào thiết bị và công nghệ, đầu tư nguồn lực con người, v.v...

5.1.2.3. Tích cực tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử

Sàn Giao dịch là một trong những hình thức hỗ trợ thương mại điện tử quan trọng nhất. Thay vì phải tự hình thành một website riêng, doanh nghiệp có thể giới thiệu về mình, tìm kiếm đối tác, khách hàng và tận dụng được nhiều lợi ích kèm theo từ các sàn giao dịch trực tuyến.

Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm mặt hàng, đối tác trên các sàn giao dịch vốn đã nổi tiếng trên thế giới như (Hàn Quốc), (M) ...

 

Ý kiến bạn đọc