Thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi với sự "lộ diện" các tập đoàn lớn của nước ngoài. Hưởng lợi nhiều nhất là người tiêu dùng.
Tiếp nhận đầu tư từ nước ngoài
Việc bắt tay với các doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) nước ngoài đã xuất hiện từ năm 2008 với hợp tác giữa Chợ Điện tử và eBay. Đến 2011, xu hướng này đã rõ nét, các nhà đầu tư nước ngoài đều nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường Việt Nam hơn 86 triệu dân.
Trong năm 2011 nhiều doanh nghiệp lớn về TMĐT trên thế giới như Alibaba, Rakuten, eBay… đều có đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. “Xu hướng này có thể sẽ rõ hơn trong năm 2012. Lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam sẽ thu hút sự quan tâm lớn của các hãng TMĐT hàng đầu trên thế giới cũng như của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài muốn triển khai hoạt động kinh doanh TMĐT ở Việt Nam”, ông Nguyễn Thành Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam nhận định.
Còn ông Nguyễn Ngọc Điệp, Công ty Vật Giá, cho rằng rất có thể sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khiến thị trường này sôi động hơn bởi họ là những người rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo đó, lợi nhuận cũng sẽ chảy về túi các "đại gia" nước ngoài. So với các hãng TMĐT lớn, các công ty trong nước vẫn có lợi thế am hiểu thị trường bản địa. Nhưng, để các công ty TMĐT nội địa sống được ngay trên chính quê hương mình, theo ông Điệp, Nhà nước cần sớm có các chính sách tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước hoạt động.
Hiện tại, môi trường chính sách cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường này đang ngày càng thuận lợi. Chẳng hạn, trước đây các công ty nước ngoài chỉ có thể mở văn phòng đại diện và không được trực tiếp làm kinh tế tại Việt Nam, thì nay đã có thể được cấp phép để kinh doanh Internet...
Hiện tại, doanh nghiệp đang chờ đợi những động thái từ các cơ quan quản lý nhà nước với hy vọng một nghị định mới về TMĐT sẽ ra đời thay thế Nghị định số 57/2006/NĐ-CP về TMĐT ban hành năm 2006 để kịp thời điều chỉnh những phát sinh từ thực tiễn. Ông Hưng tiết lộ, hiện cơ quan quản lý nhà nước đã có kiến nghị về việc xây dựng nghị định mới. Nghị định dự kiến đưa ra khung quy định chung cho các giao dịch TMĐT, đồng thời quy định cụ thể nội dung quản lý nhà nước đối với một số loại hình kinh doanh TMĐT đặc thù.
Lan tỏa trên mobile và mạng xã hội
Với sức hấp dẫn và lan tỏa rất nhanh của các mạng xã hội, đặc biệt trong bối cảnh số người dùng các thiết bị di động thông minh kết nối Internet tăng nhanh, “có thể dự đoán các doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh việc bán hàng hóa và dịch vụ thông qua các mạng xã hội với hình thức B2C (Doanh nghiệp - người dùng). Các cá nhân cũng tận dụng khả năng của mạng xã hội để mua bán với nhau (hình thức C2C - người dùng - người dùng)”, ông Nguyễn Thành Hưng nhận định.
Đây không chỉ là xu hướng ở Việt Nam mà được dự báo sẽ bùng nổ trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, xu hướng TMĐT trên mobile được dự báo sẽ nở rộ từ năm 2012 trở đi. Rất nhiều doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ nội dung số trên thiết bị di động đang tập trung vào các giải pháp như thanh toán qua mobile (các ngân hàng, ví điện tử), tiếp thị qua mobile (mobile marketing) như Naiscorp, Gapit… Thị trường này hứa hẹn sẽ có nhiều sôi động trong năm 2012.
Mua theo nhóm: hồi hộp thịnh hay suy
Trào lưu mua theo nhóm (groupon) tại Việt Nam nở rộ từ giữa năm 2011. Nhiều ý kiến cho rằng đây chính là thế mạnh của TMĐT. Khả năng kết nối của Internet cho phép thu hút đông người mua, tạo lên sức mạnh khi mua cùng một sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ từ mỗi người bán. Cả người bán, người mua và nhà cung cấp dịch vụ trung gian giúp nhiều người mua tập hợp lại với nhau và đều có lợi.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian cũng từng coi "mua theo nhóm" là "người hùng" của năm 2011 bởi nhờ đó mà dịch vụ thanh toán trực tuyến có những phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sẽ rất khó dự đoán xu thế mua theo nhóm trong năm 2012 bởi hoạt động này phụ thuộc đáng kể vào chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian.
Một mặt, họ phải đảm bảo để người bán tuân thủ đúng các cam kết đã công bố công khai trên website của mình, đồng thời phải đa dạng các sản phẩm và dịch vụ để hấp dẫn đông đảo người mua. Mặt khác, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian phải liên tục sáng tạo các phương thức để người mua dễ dàng tập hợp với số lượng lớn, tạo ra lợi thế của bên mua. Nhà cung cấp dịch vụ trung gian cũng cần phải công bố công khai trách nhiệm của mình đối với người mua khi quyền lợi của họ không được đảm bảo.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng cũng cần nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện nay đã phù hợp để xử lý các tranh chấp làm thiệt hại tới người tiêu dùng khi tham gia hình thức mua hàng theo nhóm hay chưa và có kế hoạch bổ sung, sửa đổi kịp thời nếu hệ thống này chưa đáp ứng được hình thức mua bán mới này ở Việt Nam.
Trên thực tế, hình thức mua theo nhóm hiện vẫn phát triển tự phát. Tuy chưa xảy ra vụ kiện tụng nào đáng chú ý nhưng chất lượng vẫn có nhiều điều đáng bàn, nhất là với các loại hàng hóa là dịch vụ. Đơn vị trung gian vẫn gặp khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp có đúng với cam kết. Đối với người tiêu dùng, tâm lý chung vẫn là: nếu không hài lòng thì không sử dụng nữa. Thực sự, đây là một kiểu phản ứng rất nguy hiểm bởi nó không giúp nhà cung cấp, đơn vị trung gian có được những thông tin phản hồi để kịp thời điểu chỉnh.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ các nhà quản lý vĩ mô, rất cần đến vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng trong việc nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện nay đã phù hợp để xử lý các tranh chấp làm thiệt hại tới người tiêu dùng khi tham gia hình thức mua hàng theo nhóm hay chưa và có kế hoạch bổ sung, sửa đổi kịp thời nếu hệ thống này chưa đáp ứng được hình thức mua bán mới này ở Việt Nam.