Tin tức
Tạo bệ phóng cho khởi nghiệp
28/03/2016
Nhiều bạn trẻ giàu ý tưởng, tri thức nhưng đang rất cần bệ phóng để khởi nghiệp thành công
Hàng loạt công ty lớn, quỹ đầu tư công nghệ đang nhắm vào thị trường Việt Nam cũng như sự quan tâm của các cơ quan quản lý đã tạo môi trường sinh thái thuận lợi giúp giới trẻ tự tin vào các dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của nhiều hãng công nghệ, các bạn trẻ không dễ vượt qua thử thách trong thời gian ngắn, họ cần tỉnh táo khai thác hiệu quả hỗ trợ từ nhà nước và các quỹ đầu tư.
Cơ hội cho nhiều dự án công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Đề án này sẽ dùng ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp; hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC); xây dựng các luật mới, giúp phát triển hệ sinh thái bền vững cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Bộ sẽ hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật như hạ tầng mạng, công cụ thí nghiệm, thử nghiệm sản phẩm mẫu cho các nhóm khởi nghiệp. Đồng thời đề nghị các trường đại học, trường dạy nghề, cơ quan bộ - ngành, địa phương cung cấp địa điểm, không gian làm việc… cho hoạt động đào tạo, ươm tạo hỗ trợ khởi nghiệp.
Mới đây, Quỹ 500 Startups (quỹ đầu tư khởi nghiệp có trụ sở tại Thung lũng Silicon - Mỹ) vừa lập riêng một quỹ trị giá 10 triệu USD đầu tư cho 100 - 150 công ty có hoạt động liên quan tới khởi nghiệp tại Việt Nam, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ với 2 phân nhóm: các nhóm đáp ứng nhu cầu thị trường Việt Nam và nhóm hướng ra thị trường nước ngoài. Giá trị mỗi lần hỗ trợ khoảng 100.000 - 250.000 USD. Quỹ này đã đầu tư vào một số công ty công nghệ cao ở Việt Nam như: ELSA (ứng dụng đào tạo kỹ năng phát âm trên điện thoại), Ticketbox (vé sự kiện) và Tappy (ứng dụng mạng xã hội định vị). Ngoài ra, 500 Startups còn hướng đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp qua việc đào tạo các nhà sáng lập, thành lập DN và kêu gọi vốn đầu tư, cải thiện sản phẩm, trải nghiệm người dùng và tăng cường an ninh. Quỹ cũng sẽ hỗ trợ thủ tục pháp lý cho các nhà sáng lập, tìm kiếm các nhà đầu tư giai đoạn sau. Ngoài ra, các DN khởi nghiệp sẽ được tiếp cận mạng lưới quốc tế của 500 Startups với 3.000 cố vấn và những người sáng lập, cùng mức vay ưu đãi lên đến 1,5 triệu USD từ các đối tác công nghệ như: Amazon, Facebook.
Quỹ Đầu tư mạo hiểm FPT Ventures cho hay không chỉ cung cấp nguồn vốn mà còn tạo cơ hội cho các DN khởi nghiệp tiếp cận với ban cố vấn, tư vấn kinh nghiệm mở rộng thị trường, khách hàng, năng lực marketing và truyền thông, tạo mối quan hệ với các quỹ đầu tư trên thế giới để triển khai sản phẩm trong nước và từng bước mở rộng ra khu vực. Các DN có thể tận dụng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và các nguồn lực có sẵn từ FPT để tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ. FPT Ventures sẽ đầu tư 3 triệu USD/năm cho các dự án công nghệ và sẽ tập trung hỗ trợ các dự án có định giá dưới 1 triệu USD ở các nhóm: internet, di động (mobile), giải pháp DN vừa và nhỏ (SMB), y tế/giáo dục/giao thông và SMAC (mạng xã hội); phân tích, dựa trên dữ liệu lớn và đám mây.
Cần “tỉnh táo” khi khởi nghiệp
Tại sự kiện khởi nghiệp Saigon Tech Startup Fest vừa diễn ra tại TP HCM, bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc tiếp thị Google Việt Nam, cho rằng: “Khi khởi nghiệp, các bạn trẻ hãy là chính mình và phải tạo sự khác biệt, cần tư duy, đặt câu hỏi không ngừng để giải quyết vấn đề. Người trẻ Việt Nam ít khi đặt câu hỏi, họ quen với việc được bảo phải làm gì. Mọi sản phẩm của Google hiện tại đều bắt đầu từ những câu hỏi, làm thế nào để tổ chức tốt các ứng dụng, làm thế nào để mọi người trên thế giới có thể tiếp cận chúng dễ dàng”.
Theo ông Đỗ Anh Minh, Giám đốc truyền thông của Quỹ Đầu tư mạo hiểm Vertex Ventures, các bạn trẻ Việt Nam còn có nhiều hạn chế đã gây khó khăn cho việc khởi nghiệp như: tiếng Anh còn kém, cái tôi quá lớn, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề phát sinh còn yếu. “Cần phải tỉnh táo nhìn vào những điểm yếu của mình để khắc phục thay vì nôn nóng muốn thành công ngay” - ông Minh nói.
Nhiều chuyên gia đến từ các hãng công nghệ cũng khuyến cáo điều quan trọng để thành công nằm chính trong những bước đi đầu tiên khi bắt tay vào hành động. Phải kiên định, mạnh dạn dấn thân vào thử thách và tìm được những cộng sự tốt. Muốn khởi nghiệp thành công, cần tập trung vào những khách hàng có khả năng mang lại lợi nhuận, những sản phẩm/dịch vụ mà khách hàng thực sự quan tâm.
Đánh giá cao khởi nghiệp tại Việt Nam
Quỹ 500 Startups đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới từ năm 1990 và là thị trường có tiềm năng phát triển lớn, đang trong giai đoạn đầu của các quỹ đầu tư.
Theo khảo sát 50.000 người tại 44 quốc gia của Công ty Nghiên cứu thị trường GfK được công bố vào tháng 12-2015, có đến 71% người được hỏi ở Việt Nam có thái độ tích cực đối với việc khởi nghiệp kinh doanh, 89% người được hỏi có mong muốn bắt đầu kinh doanh riêng và 75% nghĩ rằng bắt đầu kinh doanh là khả thi. Khát khao đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam cao thứ 7 thế giới, chỉ sau Đan Mạch, Nam Phi, Thái Lan, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ.
Nguồn http://congnghe.nld.com.vn
 
Ý kiến bạn đọc