Thương mại điện tử đã có mặt tại Việt Nam hơn 10 năm qua, tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, hình thức kinh doanh này mới thực sự thu hút các doanh nghiệp (DN) tham gia nhờ những lợi thế về chi phí, thời gian.
Năm 2011, các DN có dịp chứng kiến sự lan tỏa rất nhanh của xu hướng bán hàng trên các website thương mại điện tử và các mạng xã hội tại Việt Nam dưới nhiều hình thức như B2C (giữa cá nhân với DN), C2C (cá nhân với cá nhân) và B2B (giữa các DN với nhau). Một khảo sát gần đây của Bộ Công Thương với 2.004 DN trên cả nước thấy 100% DN đã ứng dụng thương mại điện tử với quy mô và cấp độ khác nhau, 70% DN tham gia các trang thông tin điện tử để mua bán sản phẩm, hàng hóa với mức doanh thu trung bình lên đến 33% tổng doanh thu. Theo ghi nhận của Tập đoàn Alibaba.com (Trung Quốc), số thành viên Việt Nam gia nhập sàn thương mại điện tử này cũng đạt con số 150.000 vào cuối năm 2011.
Theo ông Brian Wong, Phó chủ tịch Bộ phận kinh doanh và dịch vụ toàn cầu Tập đoàn Alibaba.com, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh đã trở thành xu hướng toàn cầu khi hầu hết các DN trên thế giới đều tìm kiếm bạn hàng trực tuyến. Với những lợi thế về không gian, thời gian và chi phí trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, các kênh mua bán trực tuyến thực sự trở thành phương tiện tối ưu, giúp DN nhanh chóng đưa sản phẩm tiếp cận thị trường quốc tế một cách hiệu quả.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, chi phí đầu tư cho thương mại điện tử chỉ chiếm khoảng 5% tổng đầu tư nhưng chiếm đến 33% tổng doanh thu. Do đó, tham gia hoạt động thương mại trên các sàn giao dịch quốc tế như eBay.com, Amazon.com hay Alibaba.com... đang được xem là cách đầu tư khôn ngoan để mở rộng kênh bán hàng trên toàn thế giới cho DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Bà Võ Thu Nhã, phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty Tân Hiệp Phát chia sẻ: "Hoạt động tích cực trên các kênh thương mại điện tử nằm trong chiến lược đưa thương hiệu, sản phẩm của chúng tôi ra thị trường thế giới. Trung bình mỗi tháng chúng tôi nhận được 150 yêu cầu từ khắp nơi thông qua Alibaba.com".
Cũng như Tân Hiệp Phát, sau 10 năm hoạt động tại thị trường nội địa, từ năm 2010, Công ty cổ phần Tập đoàn nhựa Đông Á đã bắt đầu xuất những lô hàng đầu tiên sang Ấn Độ thông qua kênh thương mại điện tử. "Với định hướng đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, từ tháng 8/2011, chúng tôi đã đăng ký trở thành thành viên cao cấp của một website thương mại điện tử có lượng truy cập hàng đầu thế giới. Trung bình mỗi tuần, chúng tôi nhận được 30-40 yêu cầu từ kênh này", bà Nguyễn Thị Hồng Lê, phụ trách marketing quốc tế của Tập đoàn nhựa Đông Á cho biết.
Hay như Hapro, một thương hiệu phân phối hàng hóa lớn tại Hà Nội, cũng đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu... thông qua thương mại điện tử, rồi hàng loạt các thương hiệu lớn khác như Kềm Nghĩa, Thép Tiến Đạt, Cadisun, Hòa Phát, Viglacera, Prime, Hữu Nghị... cũng chọn thương mại điện tử như một công cụ xuất khẩu đầy tiềm năng.
Dự đoán về xu hướng của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2012, ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty OSB, đại diện của Alibaba.com tại Việt Nam cho rằng, 2012 là năm bùng nổ của các giao dịch mua bán giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với DN thông qua mạng xã hội và các hình thức mua hàng theo nhóm (Groupon). Không những thế, đây cũng là thời điểm nở rộ các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giữa các DN khi ngày càng nhiều DN có quy mô từ nhỏ đến lớn đã biết tới và đang tìm cách khai thác tối đa kênh giao thương này.
Alibaba.com hiện có 18 triệu thành viên đăng ký từ 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 150.000 thành viên Việt Nam. Với thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, thương mại điện tử đang trở thành kênh buôn bán đặc biệt quan trọng. Các nước phát triển chiếm hơn 90% tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu, trong đó, riêng Bắc Mỹ và châu Âu chiếm tới 80%.