Tin tức
Việt Nam tiến bộ nhảy vọt về chỉ số Chính phủ điện tử
29/07/2013
 
 

Việt Nam được xếp thứ 91 trong số 192 thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) về chỉ số sẵn sàng Chính phủ điện tử 2008, tăng 14 bậc so với năm 2005.

Không những thế, Việt Nam còn đứng thứ 16/192 quốc gia xét về chỉ số sẵn sàng tham gia (tức là mức độ tham gia, quan tâm của người dân đến các chương trình và dịch vụ của chính phủ). Đây là bước nhảy vọt lớn của Việt Nam so với vị trí thứ 63 năm 2005.

Đáng nói hơn nữa, Việt Nam lọt vào nhóm những nước châu Á có sự phát triển tốt về chỉ số chính phủ điện tử, trong khi đó theo bảng xếp hạng chỉ số của LHQ, chỉ số của khu vực châu Á đạt thấp hơn một chút so với mức trung bình của chỉ số sẵn sàng chính phủ điện tử thế giới. Châu Âu là khu vực đạt điểm số tốt nhất, sau đó đến Mỹ. Một số quốc gia châu Á đã bị tụt hạng trong chỉ số sẵn sàng phát triển chính phủ điện tử, theo nghiên cứu mới vừa được Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa ra.

Cụ thể, Ấn Độ đã giảm 26 bậc trong Chỉ số Sẵn sàng Chính phủ điện tử 2008 của LHQ xuống vị trí 113, so với thứ 87 năm 2005. Philippine đứng thứ 66 trong năm 2008, trong khi năm 2005 là thứ 41.

Singapore và Thái Lan đều giảm 16 bậc so với mức xếp hạng năm 2005, lần lượt đứng ở vị trí 23 và 62 trong năm 2008.

Cùng với Việt Nam, Nhật Bản cũng là quốc gia có sự tiến bộ trong chỉ số chính phủ điện tử, đứng thứ 11, tăng 3 bậc so với năm 2005. Campuchia xếp thứ 115, tăng 13 bậc so với năm 2005. Malaysia cũng tăng lên 9 vị trí đạt số 34 năm 2008.

Đứng ở vị trí thứ 3, Hàn Quốc là nước châu Á duy nhất lọt vào top 10. Đây cũng là quốc gia được đánh giá cao về mức độ tham gia vào chính phủ điện tử, trong đó các công dân đều quan tâm đến các chương trình và dịch vụ của chính phủ. Về mặt này, Hàn Quốc xếp thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Việt Nam cũng là nước được đánh giá cao về chỉ số tham gia, vọt lên vị trí 16 từ mức 63 năm 2005. Trung Quốc cũng ghi điểm về chỉ số này, đứng vị trí 20 so với mức 50 năm 2005.

Khảo sát Sẵn sàng Chính phủ điện tử toàn cầu LHQ 2008 đánh giá xếp hạng của 192 thành viên LHQ về mức độ tham gia vào thông tin và các công nghệ truyền thông để phục vụ và tương tác với công dân.

Ý kiến bạn đọc