Công nghiệp chế biến
Ngành sản xuất giày dép, túi xách bước vào giai đoạn tất bật
07/06/2013

Chịu tác động mạnh từ thị trường xuất khẩu (XK) chính EU, dù tình hình đơn hàng không quá dồi dào như giai đoạn từ năm 2011 trở về trước nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất giày dép, túi xách trong nước khẳng định, đây là giai đoạn tất bật của ngành. Hiện tại rất nhiều nhà nhập khẩu ở thị trường khó tính và tiềm năng như Nhật Bản sau một thời gian thăm dò đã quyết định chọn Việt Nam khi dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc.

Nhà nhập khẩu Nhật Bản đổ vào Việt Nam

Ông Lưu Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV SX-TM Túi xách Hoàng Kim, quận Bình Tân, TPHCM chia sẻ, hiện nay cứ cách một ngày là DN tiếp một đoàn khách Nhật đến tìm hiểu, đặt hàng, chưa khi nào DN Nhật Bản đến tìm hiểu nhiều như thời điểm hiện nay. Là một DN sản xuất nhỏ chỉ khoảng 100 lao động nhưng 100% đơn hàng túi xách, va li của DN đều là FOB, XK đến các thị trường khó tính như Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Nhật Bản. Theo ông Thành, nhà nhập khẩu Nhật Bản khá khó tính, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn. Họ đến để tìm hiểu, thăm dò. Tuy nhiên, khi đạt được thỏa thuận thì đây sẽ là những khách hàng lâu dài, ổn định. Hiện DN đã cũng đã hợp tác lâu dài với một nhà cung ứng tại thị trường Nhật Bản. Sản xuất của DN đang quá tải, DN đang đầu tư xây dựng thêm một nhà xưởng quy mô khoảng 200 lao động tại huyện Củ Chi, dự kiến tháng 10-2013 sẽ đưa vào hoạt động.

Ở các thị trường Nhật Bản, Đức… khi DN XK tham gia vào đây thì tự động tên và địa chỉ của DN được lưu trên website của các cơ quan thương mại, hải quan. Đây chính là kênh chủ yếu để các nhà nhập khẩu tìm đến DN. Bản thân DN cũng ngạc nhiên khi được nhà nhập khẩu tiết lộ điều này và hẳn nhiên mức độ tin cậy của nhà nhập khẩu cũng cao hơn theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Qua tiếp xúc với nhiều nhà nhập khẩu Nhật Bản trong thời gian gần đây, ông Thành cho biết phần lớn nhà nhập khẩu Nhật Bản nghĩ rằng giá bán của DN Việt Nam phải rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc. Trên thực tế, giá nhân công lao động của Việt Nam không còn rẻ. Đây được xem là một bước thăm dò của nhiều nhà nhập khẩu khi lựa chọn điểm đến khi dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc. Hiện trong các nước sản xuất, XK giày dép, túi xách ở khu vực ASEAN, giá nhân công của Việt Nam cao hơn của Indonesia, Campuchia, Myanmar nhưng bù lại năng lực sản xuất Việt Nam được nhà nhập khẩu đánh giá cao hơn.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát (Bình Dương) cho biết, sau khoảng 2 tháng thăm dò, gửi mẫu chào hàng, cuối cùng DN cũng đã thực hiện đơn hàng đầu tiên cho một đối tác Nhật. Trước nay, DN chủ yếu XK sang thị trường EU, cũng rất muốn đa dạng thị trường XK nhưng với nhà nhập khẩu Nhật, độ khó của đơn hàng cao hơn, nếu đơn hàng có số lượng ít thì sẽ rất khó cho bài toán hiệu quả. Hiện đơn hàng XK của DN có đến hết năm 2013.

Kỳ vọng tăng trưởng cao hơn ở năm 2014

Sự hồi phục ở các thị trường XK chính vẫn chưa cao nhưng giày dép, túi xách Việt Nam đang có sức hút nóng trước cơ hội lớn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU thì chắc chắn XK năm 2013 của ngành sẽ vượt mục tiêu đạt 9,7 tỷ USD (giày dép 8 tỷ USD, túi xách 1,7 tỷ USD). So với giày dép, XK túi xách có phần thuận lợi và tăng trưởng cao hơn. Mỹ vẫn là thị trường quan trọng, dẫn đầu về kim ngạch với cả mặt hàng giày dép và túi xách. Trong 6 tháng đầu năm 2013, XK giày dép đạt hơn 3,99 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm khoảng 32% tổng kim ngạch XK với hơn 1,27 tỷ USD. Với ngành hàng túi xách, vali tăng trưởng XK trong 6 tháng 2013 đạt 22%, với 911 triệu USD; trong đó XK vào Mỹ chiếm 44% tổng kim ngạch, với hơn 391 triệu USD, tăng trưởng gần 30% so với năm 2012.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện các nhà nhập khẩu của thương hiệu lớn đang tăng cường mở rộng và rút chuyển đơn hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam, tỷ lệ dịch chuyển khoảng 20% so với năm trước. Với lợi thế nguồn lao động trẻ dồi dào có tay nghề khéo, tính kỷ luật cao, nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư thuận lợi và ngành có sẵn cơ sở hạ tầng công nghiệp phụ trợ, Việt Nam sẽ là nơi đầu tư lý tưởng cho việc trở thành nhà xưởng sản xuất giày cung cấp toàn cầu sau Trung Quốc. Hiện nhiều DN đã có đơn hàng đến quý 1-2014. Nhiều DN kỳ vọng với những cơ hội thấy rõ và tình hình thị trường cũng như sự quan tâm của nhà nhập khẩu hiện nay, năm 2014 ngành da giày, túi xách sẽ có tăng trưởng cao hơn năm nay.

Nếu FTA với EU, TPP với Mỹ được hình thành thì không chỉ giúp XK của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, giảm mức chịu thuế nhập khẩu mà còn là cơ hội để DN trong nước bớt sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu khắc nghiệt về chất lượng và làm sao để nâng giá trị gia tăng cao hơn vì hiện nay giá trị gia tăng từ sản xuất giày dép chỉ được khoảng 20% trên giá thành bán cho người tiêu dùng tại thị trường nhập khẩu. Phần giá trị còn lại được các nhà nhập khẩu và bán lẻ của các nước nhập khẩu thụ hưởng chiếm 80% trong khi Việt Nam sử dụng nhiều nguồn lực, thời gian.

Ý kiến bạn đọc