Bài học dưa hấu: "Nông dân muốn thấy vai trò nhà nước mạnh mẽ hơn"
07/10/2015
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bên lề cuộc "Tọa đàm về xuất khẩu nông sản, thủy sản," do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/4, tại Hà Nội,.
Nhằm hiểu rõ hơn thực trạng và các giải pháp của các cơ quan chức năng trong vấn đề tiêu thụ nông lâm sản, phóng viên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Bộ Công Thương về vấn đề này.
Thưa thứ trưởng, tại sao tình trạng ùn tắc dưa hấu, nông sản diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, vậy trách nhiệm của Bộ Công Thương như thế nào?
- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể thấy, mặt hàng dưa hấu mang tính thời vụ và rất dễ canh tác, trong khi nhu cầu của phía Trung Quốc rất lớn, cũng như đòi hỏi về quy cách phẩm chất cũng như phương thức mua bán không quá khắt khe.
Thời gian qua, để tránh việc ùn tắc, liên bộ Công Thương-Nông nghiệp đã có nhiều văn bản hướng dẫn cũng như khuyến nghị cho các địa phương có biện pháp tổ chức sản xuất, canh tác cho phù hợp, theo hướng căn cứ vào nhu cầu thị trường để cân đối cho phù hợp, ngay cả thời điểm gieo trồng, thu hoạch, vận chuyển cũng phải dựa trên thực tế của thông quan và yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có khuyến nghị với Sở Công Thương các tỉnh hướng dẫn cho người nông dân để đảm bảo yêu cầu về phẩm chất, quy cách để tránh được lãng phí trong hoạt động thương mại với Trung Quốc. Quyết liệt hơn, bộ đã đề nghị tỉnh Lạng Sơn thành lập các tổ công tác liên ngành để tổ chức hoạt động thông quan dưa hấu nhằm tránh những bất ổn, đảm bảo hiệu quả chung.
Tuy nhiên, vẫn có một nguyên nhân là do sức hút của thị trường nên việc tổ chức sản xuất của người nông dân vẫn không đáp ứng được yêu cầu và mang tính tự phát nhiều hơn. Do vậy, các sản phẩm nông sản nói chung và dưa hấu nói riêng đưa đi tiêu thụ vẫn gặp phải ách tắc, quá tải.
Phía Bộ Công Thương cũng đang có nhiều biện pháp chấn chỉnh trong đó có việc cân đối giữa cung-cầu sản xuất và đặc biệt là cân đối giữa tiêu thụ nội địa với xuất khẩu, bởi trên thực tế thị trường nội địa cũng có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, do sự thiếu vắng của hệ thống các doanh nghiệp và hệ thống phân phối trên thị trường nội địa với cơ sở hạ tầng thì nó đã làm yếu và khả năng tiêu thụ nội địa chậm.
Liệu việc tiêu thụ dưa hấu thời gian qua có phải nhờ vào lòng nhân ái của người dân không thưa thứ trưởng?
- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiện các mặt hàng dưa hấu đang được bày bán rất nhiều tại siêu thị và chợ, còn việc chung tay chia sẻ của người dân là điều rất đáng quý, điều đó cho thấy sức tiêu thụ của thị trường nội địa rất lớn, nếu biết cách khai thác và phát triển sẽ là yếu tố bền vững.
Mặt khác, cần phải thấy trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm tốt hơn nữa việc phát triển hệ thống thương mại nội địa nhất là hệ thống phân phối, lưu thông.
Cơn lũ trái mùa cuối tháng Ba nhấn chìm nhiều diện tích dưa hấu chuẩn bị đến vụ thu hoạch. Sau trận lũ, đã có 570 ha dưa hấu bị ảnh hưởng, trong đó 180 ha bị ngập khiến 100% dưa hư hỏng. Ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Việc được mùa, rớt giá liên tục được đặt ra tại các kỳ quốc hội, vậy trách nhiệm này có quá sức với liên bộ Công Thương-Tài chính không?
- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Cần phải thấy ở đây không chỉ 2 bộ nhìn nhận và thấy trách nhiệm về vấn đề này mà Chính phủ cũng đã có chỉ đạo kiên quyết, kịp thời và cụ thể trong đó có Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đây là biện pháp có thể khắc phục được tận gốc những vấn đề yếu kém của ngành nông nghiệp cũng như thương mại nông sản của chúng ta, tránh việc được mùa rớt giá.
Theo tôi, nếu không khắc phục và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo hiệu quả của quy mô sản xuất của trình độ công nghệ cũng như của các chuỗi giá trị thì chúng ta vẫn phải đối mặt với nghịch lý được mùa rớt giá hay hiểu cách khác năng lực cạnh tranh còn yếu kém, giá trị gia tăng thấp, chưa kể sự đứt đoạn giữa các khâu của chuỗi giá trị, nó làm cho những bất công của nghịch lý xã hội ngày càng tăng hơn, người nông dân tiếp tục chịu thiệt thòi trong khi lợi nhuận lại tập trung chủ yếu vào các thương lái.
Vậy thứ trưởng có thể nói rõ hơn các chính sách và giải pháp đối với lĩnh vực này sẽ được Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng giải quyết thế nào?
- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Thực tế này đã đặt ra rất nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý nhà nước, đầu tiên phải nghiên cứu thị trường một cách đầy đủ hơn và cụ thể hơn, đặc biệt là khả năng tiêu thụ của thị trường đó và khả năng trong việc tiếp cận thị trường của nhóm sản phẩm đó. Việc nghiên cứu này phải tạo ra chuỗi xử lý liên tục về mặt thông tin, có nghĩa là nó phải đảm bảo phục vụ có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp cũng như phần canh tác, thu hoạch và chế biến phục vụ xuất khẩu.
Tiếp đến các cơ quan nhà nước phải nghiên cứu để có hướng mở thị trường mạnh mẽ hơn nữa để giúp cho các sản phẩm của chúng ta thông quan được và đẩy mạnh xuất khẩu.
Từ thực tế mặt hàng dưa hấu và trái cây khác, chúng ta phải thấy rằng khả năng tiếp cận thị trường vẫn còn một số hạn chế vì vậy cần phải nghiên cứu theo hướng cân bằng giữa thị trường nội địa và xuất khẩu, về mặt này trong thời gian tới Bộ sẽ có chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo ra mối liên kết giữa các địa phương với nhau.
Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu để xây dựng tiếp cơ chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối và xuất khẩu kết nối chặt chẽ với các địa phương và khu vực sản xuất.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/ Ý kiến bạn đọc
TIN TỨC MỚI
• “Dấu ấn” trong xuất khẩu trái cây năm 2016 (31/12/2016)
• Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2016 đạt 7 tỷ USD (30/12/2016)
• 2016 là năm khó khăn với các nước xuất khẩu gạo (29/12/2016)
• Xuất khẩu năm 2016: nhiều điểm sáng (27/12/2016)
• Sóc Trăng thắng lớn vụ tôm 2016 (27/12/2016)
• Ngành cà phê đặt mục tiêu xuất khẩu từ 5-6 tỷ USD vào năm 2030 (27/12/2016)
• Xuất khẩu thủy sản sang liên minh Châu Âu (EU) (19/12/2016)
• Tổng giá trị xuất khẩu nông sản năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2015 (19/12/2016)
• Xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2016 (17/12/2016)
• Xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỉ USD (16/12/2016)
TIN TỨC CŨ