Dưới đây là một số giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Úc
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Úc và kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong thời gian tới có bước tiến mạnh, việc tháo gỡ các rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Đối với mặt hàng thuỷ sản, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Việt Nam là nguồn cung cấp lớn nhất tôm cho thị trường Úc, chiếm 31% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào thị trường này. Tuy nhiên, quy định tôm và sản phẩm tôm nhập khẩu vào Úc phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
+ Tôm và sản phẩm tôm có xuất xứ từ quốc gia/vùng được Úc công nhận sạch bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (YHV), Hội chứng Taura (TSV) và bệnh hoại tử gan tuỵ do vi khuẩn (NHPB). Riêng bệnh NHPB chỉ áp dụng đối với sản phẩm chưa đông lạnh;
+ Tôm được bỏ đầu, bóc vỏ (trừ đốt đuôi cuối) và được kiểm tra, chứng nhận âm tính với bệnh WSSV và YHV;
+ Tôm được chế biến sau (tẩm bột, bao bột, ướp bằng nước xốt ướt hoặc khô, được chế biến làm nhân bánh bao, bánh gối hay các sản phẩm tương tự);
+ Tôm được nấu chín.
Do Việt Nam chưa là quốc gia/vùng sạch bệnh WSSV, YHV, TSV, NHPB nên tôm xuất khẩu sang Úc phải áp dụng các quy định (2), (3), và (4). Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này cũng không phải đơn giản. Việc kiểm dịch WSSV, YHV trong tôm tươi của Việt Nam xuất sang Úc được kiểm dịch riêng rẽ theo từng lô hàng, nếu kết quả dương tính (ngưỡng 0%) sẽ không được nhập vào Úc.
Một khó khăn nữa trong vấn đề này là các phòng lab của Úc kiểm virus theo phương pháp Real-time PCR, tức là kiểm ADN của virus, khi đó thì virus cho dù đã chết, chỉ còn lại xác vẫn bị coi là dương tính và bị trả hàng về. Phương pháp này rất ít phòng lab ở Việt Nam có thể kiểm tra được, do vậy doanh nghiệp không biết làm thế nào để có thể xuất được tôm đông lạnh tươi (raw frozen prawns) vào Úc, nên chỉ có thể xuất khẩu tôm đã luộc chín, hoặc tôm tẩm bột, tẩm gia vị mặc dù nhu cầu đối với mặt hàng này thấp hơn nhiều so với tôm tươi gây thiệt hại không nhỏ với ngành sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Đây có thể là nguyên nhân kỹ thuật gây ảnh hưởng đến việc đa dạng sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này.
Nếu rào cản cho tôm được tháo gỡ, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Úc sẽ có bước tiến đáng kể. Việc này cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương, cụ thể:
+ Phối hợp với các nước ASEAN có chung lợi ích lựa chọn một số ngành hàng, trong đó có thuỷ sản, Úc đặt ra nhiều rào cản để thực hiện khảo sát các biện pháp phi thuế (NTM) trong khuôn khổ AANZFTA nhằm đấu tranh đề nghị Úc gỡ bỏ trong khuôn khổ đa phương và khu vực;
+ Đàm phán với phía Úc để thúc đẩy việc thành lập cơ quan kiểm dịch thủy sản trước xuất khẩu tại Việt Nam được Úc công nhận kết quả, kể cả tổ chức kiểm dịch tư nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp;
+ Đàm phán với Chính phủ Úc để công nhận Việt Nam là vùng sạch bệnh WSSV, YHV, TSV, NHPB.
Ngoài các quy định chặt chẽ về kiểm dịch nêu trên, Chính phủ Úc gần đây đã và đang chuẩn bị ban hành một số Luật/quy định có khả năng phân biệt đối xử với hàng nhập khẩu, trong đó có Việt Nam như việc áp dụng hệ thống mới về dán nhãn nguồn gốc thực phẩm với những thông tin rõ ràng và đơn giản hơn nhằm giúp người tiêu dùng xác định nguồn gốc thực phẩm. Nhãn thực phẩm sẽ cho người tiêu dùng biết xuất xứ cụ thể về nơi sản phẩm được làm ra, trồng hay đóng gói.
Tương tự, việc ban hành Luật dán nhãn xuất xứ trong thực đơn nhà hàng cũng được kiến nghị ban hành.
Ngày 23/6/2014, Thượng viện Úc đã đề nghị Ủy ban giao thông và các vấn đề khu vực, nông thôn của Thượng viện (SRRATRC) xem xét và tổ chức tham vấn về việc luật hóa quy định dán nhãn xuất xứ đối với các sản phẩm thủy sản trong thực đơn tại các nhà hàng, quán ăn trên toàn quốc. Thời gian nhận báo cáo tham vấn đến ngày 01/8/2014, sau đó SRRATRC đã xem xét và phúc trình vấn đề vào cuối năm 2014.
Đề nghị tham vấn xuất phát từ sức ép của một số tổ chức, hiệp hội thuộc lĩnh vực nuôi, sản xuất thủy sản trong nước và một bộ phận người tiêu dùng Úc. Ngành công nghiệp thủy sản Úc lập luận rằng thực khách đang bị đánh lừa để họ tin rằng cá giá rẻ mà họ ăn là cá đánh bắt ở Úc – trong khi thực ra đây là những sản phẩm xuất phát từ các nước châu Á như Việt Nam và Thái Lan.
Tại Úc, trong khi các nhà bán lẻ cần phải dán nhãn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng thủy sản thì các nhà hàng, quán rượu và câu lạc bộ không bị áp dụng quy định này, trừ Vùng Lãnh thổ Bắc Úc. Việc luật hóa quy định này trên toàn quốc sẽ tác động không nhỏ đến quyết định của thực khách tại hệ thống các nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là đối với bộ phận người tiêu dùng quen sử dụng sản phẩm của Úc, do đó có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu thủy sản vào Úc, đặc biệt từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tại thời điểm đó, Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản Úc (SIAA) đã gửi báo cáo tham vấn phản đối vấn đề này và đề nghị SRRATRC cân nhắc thận trọng khi xem xét và quyết định luật hóa quy định trên. Dưới sức ép của Hiệp hội các nhà nhập khẩu thuỷ sản Úc, các ngành hàng dịch vụ ăn uống và một số nước xuất khẩu thuỷ sản, Chính phủ đã không thành công trong việc luật hoá quy định dãn nhãn xuất xứ đối với các sản phẩm thuỷ sản trong thực đơn tại các nhà hàng, quán ăn trên toàn quốc.
Tuy nhiên, ngày 27/5/2016, Chính quyền Bang New South Wales (NSW) đã ra thông cáo báo chí về việc luật hoá vấn đề nêu trên trong phạm vi tiểu bang. Mục đích nêu rõ trong thông cáo báo chí là để người tiêu dùng phân biệt được thuỷ sản nhập khẩu (chiếm 85% lượng tiêu thụ của bang NSW) và thuỷ sản đánh bắt và nuôi trồng nội địa nhằm thúc đẩy tiêu thụ thuỷ sản trong nước. Điều này, rõ ràng đã đi ngược lại với nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT) trong WTO.
Việc luật hoá qui định dán nhãn xuất xứ hàng thuỷ sản trong các nhà hàng của Bang NSW nếu thành công sẽ kéo theo hệ luỵ là các Bang khác cũng sẽ làm theo và việc phân biệt đối xử đối với hàng thuỷ sản nhập khẩu sẽ xảy ra, nhất là trong bối cảnh, người dân Úc đang e ngại chất lượng hàng thuỷ sản của Việt Nam sau vụ việc cá chết hàng loạt ở các vùng biển miền Trung.
Do vậy, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, Thương vụ cần theo dõi, nắm thông tin và đề xuất Chính phủ Việt Nam có những hành động kịp thời, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội có liên quan tại Úc để phản đối việc ban hành các văn bản có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
2. Đối với doanh nghiệp
Ngoài các quy định chặt chẽ về kiểm dịch nêu trên, Chính phủ Úc gần đây đã và đang chuẩn bị ban hành một số Luật/quy định có khả năng phân biệt đối xử với hàng nhập khẩu, trong đó có Việt Nam như việc áp dụng hệ thống mới về dán nhãn nguồn gốc thực phẩm với những thông tin rõ ràng và đơn giản hơn nhằm giúp người tiêu dùng xác định nguồn gốc thực phẩm. Nhãn thực phẩm sẽ cho người tiêu dùng biết xuất xứ cụ thể về nơi sản phẩm được làm ra, trồng hay đóng gói. Tương tự, việc ban hành Luật dán nhãn xuất xứ thuỷ sản trong thực đơn nhà hàng cũng được kiến nghị ban hành.
Hệ thống nhãn mác mới dự kiến sẽ giúp tăng doanh thu các sản phẩm nội địa nhưng sẽ là một thách thức mới đối với hàng thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam nếu chúng ta không xây dựng được hình ảnh sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Úc là thị trường xuất khẩu thuỷ sản tiềm năng của Việt Nam. Vấn đề hiện nay là các qui định nghiêm ngặt của Úc về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Hàng thuỷ sản của Việt Nam vẫn còn một số trường hợp dư lượng kháng sinh và dư lượng thuốc diệt nấm bị phát hiện và điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam nếu không loại trừ triệt để. Các trường hợp vi phạm do Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc kiểm tra và phát hiện sẽ bị thông báo rộng rãi trên trang web của Chính phủ bao gồm cả tên nhà cung cấp và nước cung cấp. Trong năm 2015, Việt Nam có 26 trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó mặt hàng thuỷ sản chiếm phần lớn các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, gần đây Úc phát hiện thuỷ sản Việt Nam bị bơm nước và tạp chất. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thủy sản của Việt Nam. Nó làm giảm giá trị và chất lượng của sản phẩm và tồi tệ nhất là thuỷ sản Việt Nam bị giảm giá trên thị trường.
Nguồn cung hàng của Úc bị hạn chế bởi vì Úc chỉ có thể cung cấp 30% nhu cầu hiện nay, do vậy, hầu hết người tiêu dùng chỉ có hai lựa chọn hoặc mua hàng nhập khẩu, hoặc không ăn hải sản. Thật đáng tiếc là nhiều người chọn không mua hải sản và hầu hết người Úc ăn ít hơn 40% lượng hải sản mà các cơ quan sức khoẻ khuyến cáo. Để khắc phục điều này (đạt được lượng tiêu thụ hải sản bình quân đầu người như khuyến cáo) Úc cần nhập thêm hàng triệu tấn hải sản. Do vậy, tiềm năng nhập khẩu vào thị trường Úc rất lớn nếu người tiêu dùng tin tưởng và quay sang lựa chọn các nhãn hiệu nhập khẩu. Việt Nam hiện là một trong bốn nhà nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho thị trường Úc nên chắc chắn sẽ tăng được thị phần nếu doanh nghiệp có cách tiếp cận và bước đi phù hợp, cụ thể:
+ Quảng bá, tuyên truyền về tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần thay đổi nhận thức và thói quen đối với người tiêu dùng Úc đối với thủy sản nhập khẩu từ châu Á, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp cần tự mình nâng cao nhận thức làm ăn uy tín và bền vững; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và trình độ khoa học công nghệ để đảm bảo sản phẩm đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm;
+ Đảm bảo hơn nữa an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như cải thiện chất lượng và mẫu mã sản phẩm sẽ giúp thủy sản Việt Nam nói chung và các sản phẩm tôm nói riêng tiến xa hơn trên thị trường Úc;
+ Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường Úc. Các doanh nghiệp cần phải đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư đổi mới công nghệ và chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khoẻ, môi trường. Nếu muốn trụ vững trên thị trường Úc, các doanh nghiệp Việt Nam phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết để có thể cạnh tranh trên thị trường;
+ Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. Doanh nghiệp cần lựa chọn chiến lược sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường Úc phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế của thị trường và khả năng của doanh nghiệp. Không nên thâm nhập thị trường một cách vội vàng mà cần có quá trình lâu dài: từ giới thiệu sản phẩm, tạo lòng tin, thiết lập quan hệ rồi mới thực hiện giao dịch kinh doanh; Nghiên cứu đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tránh các hàng rào kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm đã có và sẽ có trong tương lai;
+ Chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng xuất khẩu. Giải pháp ưu việt nhất là cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ tốt hơn là chỉ đơn giản cung cấp các nguyên liệu thô và chủng loại hàng rẻ tiền. Việc này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm rẻ tiền mà người Úc thường quan niệm hàng rẻ tiền là hàng có chất lượng không tốt. Việc xây dựng thương hiệu với xuất xứ tốt là đặc biệt quan trọng.
Thương vụ Việt Nam tại Australia