Theo thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), qua 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm của Việt Nam tới thị trường Nhật Bản tăng 31,9% về giá trị nhưng khối lượng giảm 40,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến hết tháng 5, mặt hàng tôm xuất khẩu vẫn đang gặp thách thức tại thị trường Nhật Bản do nước này đưa ra các quy định về OTC, khiến cho xuất khẩu sang thị trường này chỉ tăng 4% so với cùng kỳ, đạt giá trị hơn 210 triệu USD.
Trong khi đó, nhập khẩu tôm của các nhà nhập khẩu Nhật Bản từ Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ cũng giảm mạnh cả về khối lượng lẫn giá trị trong 4 tháng đầu năm nay. Cụ thể, nhập khẩu từ Thái Lan giảm 41,8% về khối lượng, 34,7% về giá trị, từ Indonesia giảm 40,9% về khối lượng và 9,8% về giá trị và từ Ấn Độ giảm 39,3% về khối lượng và 17,5% về giá trị.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặt hàng tôm sú chính là ưu thế của Việt Nam so với các nhà cung cấp khác bởi Việt Nam hiện là nước sản xuất tôm sú lớn nhất trên thế giới với sản lượng ổn định.
Giá tôm sú trên thị trường thế giới nói chung và trên thị trường Nhật Bản nói riêng vẫn ở mức cao là cơ sở chính giúp giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản duy trì tăng trưởng mạnh. Trong khi, giá tôm chân trắng đang có chiều hướng giảm bởi nguồn cung loại tôm này gia tăng nhờ sản xuất tại nhiều nước cải thiện hơn sau “cơn bão” EMS (Hội chứng tôm chết sớm).
Thống kê của ITC cũng cho thấy, Argentina là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm 10 nước cung cấp tôm hàng đầu cho Nhật Bản với khối lượng tăng 94,6% và giá trị tăng 145,1% nhờ nước này vào vụ khai thác. Dù vậy, tôm nhập khẩu từ Argentina là tôm đỏ khác so với tôm sú của Việt Nam nên Argentina không phải là “đối thủ chính” đối với Việt Nam.
Do người tiêu dùng Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, nên Nhật Bản có những quy định rất khắt khe trong lĩnh vực này. Danh mục các hóa chất và kháng sinh bị cấm, hạn chế sử dụng thường xuyên được bổ sung, mức phát hiện dư lượng liên tục bị hạ thấp. Đó là một loại rào cản kỹ thuật buộc các nhà xuất khẩu và nuôi trồng thủy sản trong đó có Việt Nam phải liên tục khắc phục.
Năm 2014, OTC có thể là trở ngại lớn nhất cho xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai này. Dù vậy, thống kê các lô hàng thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản bị cảnh báo 4 tháng đầu năm nay cho thấy, số lô tôm nhiễm OTC vượt quá ngưỡng cho phép là 0,2 ppm đã giảm đáng kể, từ 4 lô trong tháng 3 xuống còn 1 lô trong tháng 4 và đáng lưu ý xuất khẩu tôm sang thị trường này hiện nay được hưởng mức thuế suất 0%.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đến Nhật phải đảm bảo được ba yếu tố về chất lượng, số lượng và thời gian giao hàng. Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp phải hạn chế như thiếu thông tin, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều…
Do đó, vấn đề mấu chốt để nâng cao kim ngạch xuất khẩu tôm sang Nhật Bản thời gian tới là chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam cũng đang tích cực rà soát lại danh mục các loại thuốc, hóa chất cho phép sử dụng trong nuôi trồng, khai thác thủy sản và đẩy mạnh việc ngăn chặn, loại bỏ sử dụng hóa chất, kháng sinh bị cấm./.
VASEP dự báo, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản mang lại trên 700 triệu USD mỗi năm và sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2014 nếu vấn đề OTC được kiểm soát tốt hơn và lợi thế tôm sú được tận dụng tối đa.