Nông, lâm thủy sản
Hải Dương: Hiệu quả từ ổi VietGAP
07/10/2015
 Mô hình sản xuất ổi theo quy trình VietGAP được thực hiện tại xóm 12 với 34 hộ nông dân tham gia, có tổng diện tích 6,0 ha trồng ổi tập trung, tuổi cây từ 2 - 4 tuổi, loại giống ổi Thái và ổi Xù. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm: 10kg NPK con Ó, 9kg Supe lân Lào Cai, 9,7kg NPK Việt Nhật và 12 nắp thuốc Score 250EC cho 1 sào Bắc Bộ (360m2). Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đã phân công cán bộ chuyên môn trực tiếp phụ trách mô hình phối hợp với UBND xã thường xuyên theo dõi, hướng dẫn nông dân tham gia mô hình thực hiện đúng quy trình kĩ thuật VietGAP. Trước khi bắt tay vào sản xuất, nông dân tham gia mô hình được tập huấn và trang bị đầy đủ kiến thức về quy trình sản xuất ổi theo hướng VietGAP cũng như thực hành ở một số khâu quan trọng. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng đã cấp giấy chứng nhận cho 34 hộ dân tham gia mô hình.
 
Vừa học vừa làm dưới sự hỗ trợ và giúp đỡ về vật tư, kĩ thuật của cơ quan chuyên môn, cá bộ và nông dân xã Liên Mạc đã thực hiện ghi chép nhật kí rất rành mạch về quá trình sản xuất ổi từ khâu tưới nước, bón phân, phun thuốc đến thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ. Do được chăm sóc đúng quy trình, đầu tư phân bón đầy đủ, sử dụng thuốc trừ sâu bệnh kịp thời và có hiệu quả nên các cây ổi trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, lá to, xanh và dày hơn, ít bị sâu bệnh hại, giai đoạn có quả lớn nhanh, đều, tỷ lệ đậu quả cao, quả ít bị rụng sinh lý. Sau 7 tháng thực hiện mô hình, năng suất và giá trị của ổi trong mô hình cao hơn so với diện tích ổi trồng ngoài mô hình. Cụ thể, giống ổi Thái cho năng suất trung bình 1,3 tấn/sào, giống ổi Xù cho năng suất trung bình 1,2 tấn/sào.
 
Điều đáng mừng nhất là toàn bộ diện tích ổi trong mô hình được các hộ dân thực hiện công tác kiểm tra và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời. Nông dân đều sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu phun phòng trừ cho từng đối tượng sâu bệnh hại, sử dụng thuốc đúng kỹ thuật (thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng) nên đã phòng trừ sâu bệnh được triệt để, tỷ lệ sâu bệnh hại trong vùng dự án thấp hơn rất nhiều so với ngoài vùng, đồng thời đảm bảo được thời gian cách ly thuốc trước khi thu hoạch nên đem lại chất lượng và độ an toàn cao cho loại quả ăn tươi này. Nhờ đó, sản phẩm bán được giá nên có giá trị kinh tế cao, bình quân đạt 13,125 triệu đồng/sào, tương đương 364 triệu đồng/ha/năm.
 
Ông Đán - một hộ nông dân trồng trên 1 mẫu ổi và hàng năm đều đặn thu nhập trên dưới 100 triệu đồng cho biết: Ổi là cây trồng rất dễ chăm sóc, chỉ cần tỉa bỏ mầm dại, tạo bồn theo kĩ thuật tán cây, tạo tán thích hợp và bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh. Khó khăn nhất là ruồi đục quả thì nay đã được khắc phục bởi việc bao quả đúng lúc, đúng cách. Làm được những việc trên thì ổi rất sai quả cả chính vụ và trái vụ, quả ổi lại không bị dám nắng hay bệnh sương mai... Việc sử dụng túi nilông bao quả, áp dụng bả sinh học bẫy ruồi vàng do Viện Bảo vệ thực vật hướng dẫn, kết quả mang lại rất khả quan. Song ổi Thanh Hà vẫn chưa được bán ở siêu thị hay cửa hàng hoa quả an toàn hay vươn xa hơn xuất khẩu ra nước ngoài là một thiệt thòi cho nông dân khi chất lượng, mẫu mã ổi nơi đây được đánh giá rất cao.
 
Rõ ràng có được kết quả như trên là do nhiều yếu tố: Sự nhiệt tình vào cuộc và nỗ lực tiếp thu khoa học kỹ thuật của nông dân; Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, phối hợp tích cực của lãnh đạo, cán bộ UBND huyện và xã... Từ thành công của mô hình VietGAP, chắc chắn trong thời gian không xa nữa, việc sản xuất ổi an toàn sẽ phát triển rộng khắp và có chiều hướng triển vọng hơn nhiều.
Ý kiến bạn đọc