Hết tháng 9/2014, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ trong nước vẫn đang đối mặt với những khó khăn về nguyên liệu và tiêu thụ giảm, giá thấp, chỉ đạt 363 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Riêng trong 3 tháng của quý III/2014, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hoa Kỳ có sự phục hồi với trị giá 43 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Dù vậy, tín hiệu phục hồi nhẹ này không đủ bù đắp lượng sụt giảm giá trị xuất khẩu những tháng đầu năm khi tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tính đến hết tháng 9 đạt 128 triệu USD, giảm 13%.
Đối với mặt hàng đông lạnh và đóng hộp, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất khi cá ngừ đóng hộp là sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang Hoa Kỳ, đạt gần 49 triệu USD, tăng gần 19% so với cùng năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ tươi, sống và đông lạnh của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn tiếp tục giảm hơn 14,6% so với cùng kỳ.
Trái với thị trường Mỹ, tại thị trường EU, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các nước EU trong quý III chỉ đạt hơn 31 triệu USD, giảm hơn 16,8% so với cùng kỳ năm 2013. Sự sụt giảm này đã kéo giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2014 sang khối thị trường này giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 100 triệu USD.
Thăn cá ngừ đông lạnh vẫn là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ sang thị trường EU của Việt Nam, chiếm gần 60%. Trong khi, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp, sản phẩm xuất khẩu nhiều thứ 2 của Việt Nam sang EU, lại đang sụt giảm so với 9 tháng năm 2013, giảm hơn 17%. Xuất khẩu cá ngừ tươi, sống và đông lạnh mặc dù đã có sự phục hồi trong thời gian gần đây, vẫn giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2013.
Đức, Italia và Hà Lan tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU trong quý III. Dù vậy, về tổng thể, xuất khẩu sang 3 thị trường này thời gian gần đây đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ.
Với Nhật Bản, sau khi tăng trưởng trở lại trong những tháng của quý II, xuất khẩu cá ngừ đầu quý III lại giảm so với cùng kỳ và quốc gia này tiếp tục đứng thứ 4 sau ASEAN trong top 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ chính. Tổng giá trị xuất khẩu trong quý này chỉ đạt hơn 5 triệu USD, giảm 1,7% so với quý III/2013, đưa tổng giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm đạt gần 18,8 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản đều giảm qua 9 tháng, trừ cá ngừ đóng hộp. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng chủ lực là thăn cá ngừ đông lạnh chỉ đạt hơn 8 triệu USD, giảm hơn 8%. Xuất khẩu cá ngừ tươi, sống và đông lạnh giảm mạnh nhất, giảm gần 75% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 5,9 triệu USD.
Xu hướng giảm giá trị xuất khẩu cá ngừ có thể đến hết năm nay khi các nước nhập khẩu đang có xu hướng thắt chặt các hoạt động quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) và những bất lợi về nguồn cung nguyên liệu trong nước.
Bên cạnh đó, các nước có sản phẩm cá ngừ xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam đang có được các điều kiện thuận lợi khi Philippines hiện đang tích cực đàm phán và có những dấu hiệu khả quan trong việc đưa thuế nhập khẩu cá ngừ sang EU về 0%. Trung Quốc, nước láng giềng của Việt Nam, hiện chính phủ nước này có chính sách hỗ trợ 13% thuế VAT cho các nhà sản xuất khi mua nguyên liệu từ nông-ngư dân.
Dự báo năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 505 triệu USD, giảm khoảng 4% so với năm 2013. Với thị trường Nhật Bản, do được hỗ trợ nâng cao chất lượng sau thu hoạch, nên xuất khẩu cá ngừ tươi sang thị trường này sẽ tăng nhẹ. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và EU sẽ phục hồi nhưng chậm do tại các vùng biển đang thực hiện các lệnh cấm về khai thác.
Các hiệp định thương mại tự do với EU và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có thể được ký kết năm 2015, tạo ra những cơ hội tốt hơn với thị trường xuất khẩu. Dù vậy, để xuất khẩu bền vững sang các thị trường, các nhà chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn để tự nâng cao sức cạnh tranh và gia tăng hàm lượng công nghệ cao cho sản phẩm cá ngừ xuất khẩu.