Nông, lâm thủy sản
Thị trường cà phê “vỡ trận”
21/07/2014
 Đối với người hâm mộ bóng đá Brazil, World Cup 2014 đã chấm dứt khi nước chủ nhà thua đội tuyển Đức 1-7 tại vòng tứ kết để chỉ được tranh hạng 3. Các bình luận gia bóng đá cho rằng thế trận sân bóng vỡ ngay ở hiệp đầu. Trên thị trường cà phê, giá hai sàn kỳ hạn rớt thê thảm và cũng được cho là một thế trận khác bị vỡ…

Giá kỳ hạn cà phê rớt thê thảm

Chưa kịp dằn nỗi thất vọng khi đội tuyển Brazil thua tan tành trước đội Đức, người hâm mộ bóng đá và nông dân Brazil lại phải nghẹn ngào trước đợt giá cà phê xuống hai ngày liên tiếp sau đó. Đối với người hâm mộ bóng đá Brazil, World Cup 2014 đã chấm dứt khi nước chủ nhà thua đội tuyển Đức 1-7 tại vòng tứ kết để chỉ được tranh hạng 3. Các bình luận gia bóng đá cho rằng thế trận sân bóng vỡ ngay ở hiệp đầu. Trên thị trường cà phê, giá hai sàn kỳ hạn rớt thê thảm và cũng được cho là một thế trận khác bị vỡ…

Giá kỳ hạn arabica Ice xuống mức sâu nhất tính từ 5 tháng trở lại đây. Ngay trong ngày giao dịch 11-7, giá niêm yết New York, là nơi giao dịch chính của loại cà phê này, có lúc chỉ còn dưới 159 xu/cân Anh (cts/lb) tức chừng 3.505 đô la/tấn so với đóng cửa ngày cuối tháng trước là 3.860 đô la/tấn. Đóng cửa cuối tuần, giá niêm yết arabica chốt mức 161,40 cts/lb hay 3.558 đô la/tấn, giảm 229 đô la/tấn so với cách đây bảy ngày.

Giá robusta tại sàn kỳ hạn Ice Liffe London cố gắng cầm cự nhưng cuối cùng cũng phải buông tay do giá arabica quá yếu. Tính đến khi đóng cửa sàn kỳ hạn robusta, giá London chỉ còn 1.997 đô la/tấn, mất 59 đô la/tấn so với cuối tuần trước và giảm 91 đô la/tấn so với 2.088 đô la/tấn là đỉnh cao nhất của giá đóng cửa trong tháng này vào ngày 7-7-2014 

Giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên sáng nay 12-7 chỉ còn quanh mức 39,5 triệu đồng/tấn, giảm 1,3 triệu sau một tuần. Ở mức này, người còn hàng bắt đầu lo lắng, nhưng vẫn quyết ôm khư chờ giá tăng lại. Một người tên Tiến Dũng đã động viên người còn hàng tại một trang thông tin thị trường như sau: “Đã quyết giữ hàng lại thì đừng lo lắng. Giá xuống mạnh hôm nay, thì ngày mai tăng nhiều hơn, có sao đâu!”.

Thị trường cà phê vỡ trận, vì đâu?

Một đợt bán tháo xảy ra mấy hôm nay trên nhiều sàn kỳ hạn nông sản thế giới. Các mặt hàng như ca cao, đường ăn, bắp…đều đua nhau rớt do các quỹ đầu cơ tạm thời chuyển vốn sang các mặt hàng khác. Có người cho rằng khủng hoảng tại các ngân hàng Bồ Đào Nha đã làm giới đầu cơ tài chính lo ngại và giúp đồng đô la Mỹ tăng mạnh trên thị trường hối đoái thế giới. Giá trị đô la Mỹ tăng thường kích đầu cơ trên các sàn hàng hóa bán ra.

Tuy nhiên, cà phê đang phải đối mặt với những tin không mấy thuận lợi xét về mặt cung-cầu từ bản thân mặt hàng này.

Tại Trung Quốc, vốn là một nước nhập khẩu, thì nay mai có thể xuất khẩu cà phê. Tại Vân Nam, tỉnh giáp giới với Việt Nam ở phía Bắc , hiện có khoảng 120 ngàn héc-ta cà phê, chủ yếu là loại arabica. Ngoài ra, Trung Quốc còn dự kiến mở một sàn kỳ hạn giao dịch cà phê. Chắc chắn, họ sẽ phát triển thêm diện tích. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu của nước này trước mắt sẽ giảm dần, có chăng chỉ một ít robusta để chế biến cà phê hòa tan.

Ở Ấn Độ, nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng cà phê năm nay dự kiến tăng 13%, đạt 344,8 ngàn tấn, trong đó có 239,3 ngàn tấn robusta và số còn lại là arabica, khác với nhiều nguồn tin trước đây cho rằng Ấn Độ mất mùa do thiếu mưa.

Ủy hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) trong tuần cho biết xuất khẩu Brazil trong tháng 6-2014 đạt đến 2,9 triệu bao (60 kg x bao), tăng 21% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó arabica tăng 15% và robusta tăng 161%. Lũy kế 12 tháng, xuất khẩu Brazil đạt gần 34 triệu bao, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái là 31 triệu bao.

Tồn kho tại các nước tiêu thụ tăng

Tính đến hết tháng 5-2014, tồn kho cà phê tại châu Âu do Liên đoàn Cà phê Châu Âu quản lý (ECF) đạt 10.463.555 bao, tăng gần 1,1 triệu bao so với cuối tháng 4-2014.

Đến hết tháng 4-2014, báo cáo của Hiệp hội Cà phê Nhật Bản cho biết tồn kho cà phê tại Nhật đạt 182.612 tấn, tăng 3.575 tấn so với tháng trước đó (xin xem biểu đồ 2). Đây là mức tồn kho cao kỷ lục của Nhật tính từ trước tới nay.

Hiệp hội Cà phê Hạt của Mỹ (Green Coffee Association – GCA) cũng báo tồn kho đến hết tháng 5-2014 tăng lên mức 5.396.742 bao, cao hơn tháng trước đó 141.144 bao.Ngoài ra, tồn kho arabica đã được sàn New York cấp giấy đạt chuẩn tính đến hết ngày 10-7 đạt 2.488.322 bao tức chừng 149.300 tấn. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của sàn robusta Ice Liffe London nói rằng tồn kho robusta đạt chuẩn được sàn này chấp nhận chất lượng tính đến ngày 7-7 đạt 68.840 tấn, tức 1,147 triệu bao, tăng 2.430 tấn so với hai tuần trước (xin xem biểu đồ 3).

Châu Âu, Mỹ và Nhật là các nước tiêu thụ cà phê truyền thống. Báo cáo số liệu tồn kho của các nơi này thường ảnh hưởng lớn đến giá kỳ hạn và giao dịch hàng thực.

Không còn nghi ngờ gì nữa, xuất khẩu mạnh và bán ra vô tội vạ, hàng hóa tràn lan tại các nước nhập khẩu có khác gì đưa bóng cho đối thủ đá vào lưới nhà mà không có một phương án nào đáp trả, đó chính là lý do của đợt xuống giá thảm hại trong mấy ngày qua.

Sau một thời gian ồn ào với nào do thời tiết khắc nghiệt, nào thiếu hàng trầm trọng…nhưng vẫn mạnh tay bán ra, Cecafe đã thú nhận rằng “cà phê tại Brazil càng được thu hoạch, càng thấy không mất mùa mấy như nhiều người đã nói. Sản lượng cà phê Brazil sẽ thỏa mãn đủ nhu cầu trong và ngoài nước”. Còn Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) lại ghi nhận trong báo cáo thường kỳ tháng 6-2014 rằng “tồn kho cà phê thế giới sẽ cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu thụ hiện nay”.

Đến nay, thị trường đã vỡ lẽ vì ai mà thị trường cà phê bể thế trận!


Ý kiến bạn đọc