Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí là thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 22,65% tổng giá trị XK. XK thủy sản sang thị trường này 6 tháng đầu năm đạt 804,71 triệu USD, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2013. Sáu tháng đầu năm, XK thủy sản sang hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn khác đều tăng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng đạt 7,32%, 51,33% và 35,28%.
Theo Bộ NN&PTNT, về nuôi trồng thủy sản 7 tháng đầu năm, mặc dù tổng sản lượng đạt 1.819 ngàn tấn, tăng 3,4% so với cùng kì năm trước nhưng tình hình nuôi trồng các loại thủy sản chính như cá tra, tôm lại không mấy khả quan.
Cụ thể, đối với cá tra, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL 7 tháng đầu năm ước đạt 6.200 ha với sản lượng 598 ngàn tấn. Theo báo cáo của các Sở NN&PTN thuộc ĐBSCL, sản lượng cá tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Vĩnh Long, thời tiết mưa nắng thất thường đã tạo điều kiện cho bệnh thủy sản xảy ra hầu hết trên cá tra nuôi. Mức độ hao hụt từ 5-10% đối với cơ sở thực hiện tốt kỹ thuật phòng và trị bệnh, các cơ sở khác hao hụt từ 15-20%. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng dao động từ 20.500-21.500 đ/kg, giảm 3.000 đ/kg so với tháng trước, giá thành sản xuất 22.500-23.500 đ/kg. Với giá như trên người nuôi lỗ từ 1.500-2.000 đ/kg.
Còn với tôm sú, tình hình sản xuất tháng 7 tại các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL vẫn ổn định so với tháng trước, diện tích và sản lượng tôm sú 7 tháng đầu năm của một số tỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước. Đối với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, sản lượng tôm sú của 2 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. HCM đều giảm so với cùng kì năm trước. Cụ thể Bà rịa – Vũng Tàu: sản lượng đạt 787 tấn ( giảm 4,1%), TP. HCM: sản lượng đạt 781 tấn (giảm 9,7%).